Khi căng thẳng với Ukraine và mối đe dọa trừng phạt từ phương Tây đã trở thành thường trực, công cụ tiền tệ và trái phiếu trở thành một điểm “nhạy cảm” của nền kinh tế Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga. (Nguồn: TASS) |
“Nạn nhân” bất đắc dĩ
Đồng nội tệ của Nga giảm hơn 3% trong một tháng qua, hiện giao dịch ở khoảng 76 Ruble đổi 1 USD. Sự sụt giảm mạnh khiến đồng Ruble chịu thiệt hại lớn, ở một trong những mức độ nghiêm trọng nhất so với bất kỳ loại tiền tệ hàng đầu của thị trường mới nổi nào.
Các nhà phân tích kỳ vọng đồng Ruble sẽ tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm tới 16% vào năm ngoái vì đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm.
Trong lúc nền kinh tế Nga đang hồi sinh, Bộ Kinh tế nước này cũng chỉ vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng lên 3,8% vào tuần trước và các doanh nghiệp Nga thì vội vã tận dụng sự bùng nổ của chứng khoán để bán cổ phiếu, đồng Ruble sẽ là công cụ quan trọng báo hiệu sức khỏe nền kinh tế trong mối quan hệ căng thẳng với phương Tây vốn chưa thấy điểm dừng.
Nhà kinh tế Nga Sofya Donets tại Renaissance Capital cho biết, “Địa chính trị là thứ đang điều khiển chuyển động thị trường tiền tệ - đặc biệt những lo ngại về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn từ Washington, vốn đã gây nên quá nhiều thiệt hại đối với kinh tế Nga trong thời gian qua, trước khi tình hình đang “nóng” dần ở biên giới với Ukraine”.
Cũng chung quan điểm, Chiến lược gia Timothy Ash của BlueBay Asset Management, khẳng định: “Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, những lo ngại về địa chính trị đang ảnh hưởng lớn đến đồng Ruble.” Trong đó, một dấu hiệu cho thấy rõ sự nhạy cảm của đồng Ruble đối với những thay đổi ngoại giao tiềm năng, đó là khả năng ngược dòng tăng giá ngay lập tức, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Putin.
Nhà Trắng cho biết, ông Biden đã bày tỏ “quan ngại về việc Nga đột ngột tăng cường quân sự ở Crimea và ở biên giới Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng”.
Những lo lắng gần đây cũng dấy lên trên thị trường trái phiếu chính phủ Nga - một mục tiêu có khả năng nhất khi Mỹ ra đòn trừng phạt để đáp trả vụ tấn công mạng tầm cỡ quốc tế SolarWinds, trong đó, Moscow bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hay vụ đầu độc và bỏ tù thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
“Vũ khí” phản công
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng Ruble và trái phiếu chính phủ. Song, các nhà phân tích cho rằng, động thái mới này sẽ không tác động tiêu cực đáng kể đến ngân sách và thị trường Nga trong dài hạn, bởi Nga đã có sẵn sự chuẩn bị.
Với lý do trả đũa vụ tấn công mạng, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị mở rộng các biện pháp hạn chế hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với chính phủ Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao và trừng phạt 32 cá nhân.
Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh trừng phạt được phát ra, Bộ Tài chính Nga thông báo quyết định cắt giảm 875 tỷ Ruble (11,45 tỷ USD) trong kế hoạch vay nợ năm 2021 so với kế hoạch trước đó là cắt giảm 700 tỷ Ruble. Ban đầu, Nga có kế hoạch vay 3.700 tỷ Ruble bằng trái phiếu OFZ (trái phiếu Chính phủ Nga phát hành bằng đồng Ruble) vào năm 2021.
Phản ứng về lệnh trừng phạt trên của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các lệnh trừng phạt mới đồng nghĩa với việc các ngân hàng Mỹ sẽ bỏ lỡ cơ hội, đồng thời, cho biết nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ của Nga vẫn ở mức cao. Và Nga sẽ nghiên cứu kỹ các điều kiện thị trường khi quyết định có cung cấp thêm OFZ trong những tuần tới hay không.
Để tránh rủi ro bị nhà đầu tư nước ngoài ép bán trái phiếu, Bộ Tài chính Nga sẽ cắt giảm kế hoạch vay nợ năm 2021 nhiều hơn dự kiến và sẽ chỉ cung cấp trái phiếu OFZ mới từ ngày 14/6 - ngày mà sau đó các ngân hàng Mỹ sẽ bị cấm mua trái phiếu chính phủ bằng đồng Ruble trực tiếp từ Nga.
Thị phần của các ngân hàng nước ngoài, quỹ hưu trí và các nhà quản lý tài sản quốc tế trong số những người nắm giữ trái phiếu OFZ đã giảm trong nhiều tháng qua. Vào cuối tháng Ba, thị phần của người nước ngoài trong số những người nắm giữ OFZ giảm xuống 20,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2015. Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh của Nga như Sberbank và VTB đã đảm bảo sẽ thay thế các nhà đầu tư nước ngoài nếu cần và giúp Bộ Tài chính Nga sử dụng trái phiếu OFZ để bù đắp ngân sách.
Theo thống kê, các nhà đầu tư Mỹ chỉ giữ khoảng 7% OFZ, với giá trị chưa đến 1.000 tỷ Ruble, thấp hơn so với lượng OFZ trị giá hơn 4.000 tỷ Ruble do Sberbank và VTB nắm giữ.
Các nhà phân tích kỳ vọng đồng Ruble sẽ tăng trở lại vào năm 2021 sau khi giảm tới 16% vào năm ngoái vì đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm. |
Đồng lòng phi USD hóa và giảm sự phụ thuộc
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, bà Valentina Matvienko lưu ý rằng, Ngân hàng Trung ương nước này và chính phủ “theo chỉ thị của Tổng thống Putin vẫn theo đuổi chính sách phi USD hóa.” Đến nay, dự trữ vàng và ngoại hối của Liên bang Nga đã ít phụ thuộc hơn vào đồng USD và các khoản đầu tư của Nga vào trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã giảm 30 lần trong 10 năm qua.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Chủ tịch Hội đồng Liên bang nêu rõ lý do, đồng USD, tất nhiên sẽ không biến mất ở bất cứ đâu, nó đang và sẽ được lưu thông rộng rãi, không bị cấm sử dụng. Nhưng giảm sự phụ thuộc vào một trung tâm tài chính là chính sách hoàn toàn đúng đắn và Quốc hội Nga ủng hộ điều này bằng mọi cách có thể, vì đây là vấn đề chủ quyền của đất nước.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng khẳng định, Nga nên giảm sự phụ thuộc vào USD, điều này phải được thực hiện do nguy cơ đến từ các biện pháp trừng phạt mới tiềm tàng của Mỹ.
Gần đây, Nga không ngừng thực hiện nhiều bước đi để củng cố đồng Ruble, tăng sức hút của nó đối với doanh nghiệp, người dân và điều này đang mang lại kết quả đáng kể, khi Ruble ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các giao dịch đầu tư và trao đổi thương mại.