Samsung dự kiến đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Thái Nguyên. (Nguồn: VGP) |
Số liệu thống kê cho thấy vốn FDI toàn cầu năm 2021 đạt trên 1,58 nghìn tỷ USD, tăng 64% so với năm 2020 và đã đạt mức tương đương trước khi đại dịch bùng phát.
Phục hồi mạnh mẽ
Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) và các tổ chức quốc tế, sau khi giảm mạnh trong năm 2020, dòng vốn FDI toàn cầu phục hồi khả quan trong năm 2021 cùng với những tiến triển trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, xu hướng mở cửa kinh tế và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng với quy mô rất lớn của nhiều quốc gia.
Các nền kinh tế phát triển tiếp tục dẫn đầu trong việc thu hút vốn FDI do được hưởng lợi từ sức bật trở lại từ phía cầu, chi phí tài chính thấp và sự hỗ trợ tích cực từ phía các chính phủ. Với việc 34/48 nền kinh tế phát triển tiếp nhận số vốn FDI tăng trong năm 2021 từ các các ngành công nghiệp, sản xuất-lắp ráp, công nghệ thông tin, thương mại, logistics, tài chính-bảo hiểm, dịch vụ và đầu tư “xanh” phục vụ phát triển bền vững, nhóm các nền kinh tế phát triển tiếp nhận tổng số vốn 746 tỷ USD, tăng 134% so với năm 2020, các dự án đầu tư xuyên biên giới tăng 70% về số lượng và 149% về giá trị.
Nhóm nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thu hút 837 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020, cao nhất từ trước đến nay, các dự án đầu tư xuyên biên giới tăng 64% về số lượng và 142% giá trị, trong đó số dự án đầu tư xanh tăng 16%. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư chủ yếu là chế tạo, chuyển đổi số và kết cấu hạ tầng.
Vốn FDI vào nhóm nền kinh tế đang nổi châu Á đạt mức kỷ lục 619 tỷ USD, tăng 19%, trong đó FDI vào Trung Quốc đạt 181 tỷ USD, tăng 21%; vào các nước Đông Nam Á đạt 175 tỷ USD, tăng 44%; vào khu vực Tây Á đạt 55 tỷ USD, tăng 59%.
Đầu tư ra bên ngoài (OFDI) phục hồi, tăng trưởng tích cực. Vốn đầu tư từ các nước phát triển trong năm 2022 đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, tăng gần ba lần, chiếm ba phần tư OFDI toàn cầu, trong đó OFDI từ Mỹ đạt kỷ lục 493 tỷ USD, châu Âu đạt 552 tỷ USD. Đầu tư từ các nước đang phát triển đạt 438 tỷ USD, tăng 18%, trong số này các nước đang phát triển ở châu Á chiếm gần 90%.
Nhìn lại năm 2021, có thể thấy lượng FDI tăng trưởng cao một phần do nền so sánh thấp của năm 2020, song sự phục hồi được đánh giá mạnh mẽ, chủ yếu đến từ sự bùng nổ của hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A), tái cấu trúc các tập đoàn và sự gia tăng các dự án đầu tư mới.
Điều chỉnh trước thách thức
Môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu năm 2022 có nhiều biến động. Xung đột tại Ukraine gây ra các tác động nhiều mặt tới kinh tế thế giới và các khu vực, trong đó bao gồm làm gia tăng các rủi ro, bất ổn vĩ mô.
Trong bối cảnh đó, FDI toàn cầu năm 2022 và các năm tới được đánh giá tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cú sốc kinh tế hiện nay và các hệ lụy (bộ ba khủng hoảng năng lượng, lương thực, lạm phát) và các yếu tố địa chính trị (khủng hoảng an ninh, nhân đạo, trừng phạt, cấm vận…). Vì những yếu tố này, dự báo vốn FDI toàn cầu 2022 giảm hoặc trong kịch bản khả quan nhất là đi ngang so với năm 2021.
Trong nửa đầu năm 2022, hoạt động đầu tư-kinh doanh trong điều kiện không ổn định gây suy giảm lợi nhuận của khối nhà đầu tư dẫn đến thay đổi chiến lược đầu tư của các tập đoàn, cùng với đó các chính sách ứng phó lạm phát làm thu hẹp thị trường M&A. Trong quý I/2022 giá trị các dự án đầu tư xanh giảm 21% và trong nửa đầu năm 2022, hoạt động M&A xuyên biên giới giảm trên 30% về số lượng (giảm còn 25.000 vụ); giảm trên 30% về tổng giá trị giao dịch (giảm còn 2.000 tỷ USD); giảm trên 30% về số lượng giao dịch có quy mô lớn (giá trị trên 5 tỷ USD/vụ).
Bên cạnh những biến động đáng lưu ý về khối lượng dòng vốn, FDI toàn cầu đang có những điều chỉnh quan trọng, có khả năng tác động sâu rộng tới chính sách và triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia.
Các xu hướng mới
Thứ nhất là sự điều chỉnh của các chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC). Trong giai đoạn hiện nay, các GSC được thiết kế lại theo hướng linh hoạt và rút ngắn hơn, đa dạng hóa nguồn cung và đối tác, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và bố trí nguồn lực.
Các quốc gia và các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các nước, địa bàn đối tác gần gũi hoặc đồng minh; gia tăng khả năng chống chịu và hấp thụ tác động các cú sốc của thị trường và căng thẳng địa chính trị; tăng cường khả năng thích ứng với tình hình mới thay vì khôi phục các chuỗi cung ứng cũ. Nhiều cường quốc kinh tế hàng đầu ngày càng quan tâm hơn vai trò của GSC đối với các mục tiêu kinh tế-chiến lược, bao gồm việc gia tăng năng lực cạnh tranh, kiểm soát các GSC và những công nghệ, tài nguyên chiến lược.
Từ góc độ các nhà đầu tư, các thay đổi thích ứng với tình hình mới, đặc biệt là các nhu cầu nội bộ về kiểm soát rủi ro, bảo đảm nguồn cung và hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định cùng với các yêu cầu từ bên ngoài về đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị toàn cầu (áp thuế tối thiểu, định giá carbon, kỹ năng số...) được đặt lên trên các yếu tố lợi thế truyền thống (lao động rẻ, ưu đãi về đất đai, thuế suất thấp...) gián tiếp làm giảm lợi thế và khả năng thu hút đầu tư của các nước, đặc biệt là nhóm nước tiếp nhận đầu tư đang phát triển.
Thứ hai là xu hướng “xanh” hóa dòng vốn FDI. Các dòng vốn toàn cầu, bao gồm vốn FDI đang được xanh hóa với tốc độ nhanh hơn, trong đó ngày càng nhiều các dự án đầu tư vào các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và tài chính xanh. Giá trị vốn đầu tư vào các lĩnh vực, dự án liên quan đến SDG đã tăng 70% trong năm 2021, tập trung vào ngành năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng với giá trị trung bình của các dự án tăng hơn ba lần so với mức trước đại dịch.
Đến nay, đã có gần 20 nền kinh tế áp dụng các biện pháp định giá carbon. Đồng thời, ngày càng nhiều nước quan tâm chú trọng các biện pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng bền vững. Giá trị của các sản phẩm đầu tư trong lĩnh vực phát triển bền vững và tài chính xanh đã đạt 5,2 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng 63% so với năm 2020.
Thứ ba là xu hướng điều chỉnh các khuôn khổ quản trị, bao gồm khả năng áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (GMCT). Trong khuôn khổ chương trình chống xói mòn thuế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đã có hơn 130 quốc gia thống nhất áp dụng GMCT với mức 15% đối với các công ty đa quốc gia (MNE) có thu nhập từ 750 triệu Euro trở lên. Mục tiêu là nhằm bảo đảm MNE đóng thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại từng quốc gia có hoạt động, hạn chế việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia/vùng lãnh thổ có thuế suất thấp.
Hiện nhiều quốc gia đang lên kế hoạch áp dụng GMCT từ năm 2024, trong đó các nước G7, các thành viên EU, một số nước thành viên G20 và nhiều quốc gia đang xem xét các biện pháp điều chỉnh nổi luật nhằm phù hợp với mức thuế suất tối thiểu toàn cầu.