📞

Đốt đuốc đánh cá giữa đêm, nghệ nhân Nhật gìn giữ di sản lâu đời

15:51 | 22/11/2018
Trước nguy cơ thất truyền, các nghệ nhân cuối cùng của Nhật Bản đang duy trì nghề đánh cá bằng chim cốc để thu hút khách du lịch và hy vọng nghề được công nhận là di sản thế giới.
Trong đêm tối đen như mực, lửa cháy bùng lên trên mặt sông ở thành phố Gifu, Nhật Bản, khi những ngư dân chuẩn bị cho nghi thức truyền thống có niên đại hơn 1.300 năm: Đánh cá với chim cốc. Trong trang phục truyền thống, những người đàn ông này như đến từ một thời đại khác. Họ sử dụng dây buộc vào chim cốc và điều khiển chúng như con rối. (Nguồn: Gifucvb)
Nghề nghiệp của những ngư dân này được gọi là “ukai” và và họ được gọi là “usho” trong tiếng Nhật. Từng có rất nhiều “usho” tại các làng ven biển Nhật Bản cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm cả miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ, số lượng “usho” ngày càng giảm dần. Tại Nhật Bản, “ukai” được coi là di sản quốc gia được bảo vệ và trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. (Nguồn: Getty Images)
Ở tuổi 46, Shuji Sugiyama là “usho” trẻ nhất tại Gifu, thành phố miền Tây Nhật Bản. Anh là 1 trong số 9 người có giấy phép để biểu diễn nghệ thuật “ukai”. “Tôi và những con chim cốc sống cùng với nhau, do đó chúng tôi mới có thể cùng đánh cá. Cũng vì thế nên tôi không bao giờ có thể đánh cá bằng chim cốc của người khác được”, anh nói trong khi đang chuẩn bị cho chuyến thám hiểm ban đêm cùng với bầy chim của mình. (Nguồn: AFP)
Cách đây nhiều thế kỷ, nghề đánh cá bằng chim cốc phát triển mạnh mẽ, nhưng tới thời điểm Hoàng gia Nhật Bản bắt đầu cấp giấy phép cho các “usho” vào năm 1890, nghệ thuật này đã dần suy giảm. Để đổi lấy giấy phép, mỗi năm ngư dân phải tiến cống số lượng cá trong 8 lần đánh bắt cho cung điện và nhận được mức lương ít ỏi mang tính tượng trưng là 8.000 Yen (71 USD)/tháng. (Nguồn: Getty Images)
Ngày nay, các ngư dân biểu diễn “ukai” không phải vì mục đích thương mại như trước mà nhằm thu hút khách du lịch và mong muốn đưa nghề đánh cá bằng chim cốc vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. “Địa điểm biểu diễn ‘ukai’ là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất tại thành phố Gifu. Mỗi năm, khoảng hơn 100.000 người đến đây để chiêm ngưỡng và con số này ngày càng tăng lên”, giám đốc phụ trách du lịch Gifu, Kazuhiro Tada, nói với AFP. (Nguồn: Getty Images)
Trước khi ra khơi, một số người phụ tá sẽ mang chim cốc được nhốt trong những chiếc lồng tre ra bờ sông để chuẩn bị cho buổi đánh bắt khi trời tối. Họ buộc một chuỗi dây trên cổ chim cốc để tránh việc chúng ăn mất những con cá to bắt được. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể ăn cá nhỏ và sợi dây này sẽ được tháo ra khi công việc kết thúc. (Nguồn: Getty Images)
Mùa đánh bắt thường kéo dài từ tháng 5 - 10. Hàng ngày, ngư dân đều phải chăm sóc đàn chim cốc, những “cộng sự” của mình, suốt cả năm. Cứ đến mùa Thu, ngư dân sẽ bắt thêm chim cốc mới khi chúng di cư qua tỉnh Ibaraki ở miền Bắc Tokyo. (Nguồn: Getty Images)
Sau đó, chúng được huấn luyện trong thời gian 3 năm trước khi bắt đầu “ra trận”. “Tôi thường đem theo khoảng 10 con chim cốc, trong đó có cả những con mới để chúng có thể bắt chước và tập làm quen”, anh Sugiyama nói. (Nguồn: Getty Images)
Đây là công việc rất vất vả diễn ra trong thời gian dài vì thường bắt đầu sau khi mặt trời lặn. Những ngọn đuốc treo trên thuyền để thu hút cá được gọi là “ayu”. Ngư dân cũng vẽ sơ đồ quy định vị trí của từng con thuyền khi “ra trận”. Các ngư dân mặc trang phục truyền thống với áo và mũ vải màu xanh để bảo vệ cơ thể khỏi tia lửa và tro nóng từ ngọn đèn; cùng với đó là váy rơm dài chống thấm nước lạnh và dép chống trượt. (Nguồn: Getty Images)
Chim cốc là những chuyên gia săn bắt cá. Chúng sẽ ngay lập tức giết con mồi bằng chiếc mỏ sắc nhọn. Khi chim cốc bắt được cá và nổi lên mặt nước, ngư dân sẽ gỡ cá ra khỏi mỏ chim và thả cá vào trong nước. (Nguồn: Getty Images)
Đến đỉnh điểm của buổi đánh cá đêm, không gian tràn ngập tiếng chim kêu, tiếng la hét của ngư dân và tiếng vỗ tay nhịp nhàng khi những ngư dân khác đập mái chèo vào mạn thuyền. Khách du lịch ngồi trên thuyền riêng vây xung quanh khu vực đánh cá và chụp ảnh. (Nguồn: Getty Images)
Buổi biểu diễn kết thúc lúc gần nửa đêm. Anh Sugiyama có thể nghỉ ngơi đôi chút để chuẩn bị cho một ngày mới. Anh Sugiyama kế thừa nghề đánh cá này từ cha mình. 5 thế hệ của gia đình Sugiyama đều hành nghề "ukai". “Con trai tôi đã bắt đầu quan tâm đến công việc của tôi. Thằng bé quan sát cách tôi chăm sóc và đánh cá với những con chim cốc mỗi ngày. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó con trai sẽ kế thừa nghề nghiệp của mình", anh nói. (Nguồn: AFP)
(theo Zing.vn)