Phó Thủ tướng nói: “Tôi đọc bản tin dự báo, thấy vẫn rất khó hiểu, thông tin rườm rà, nặng về chuyên môn. Cần phải thông tin thật cụ thể, dễ hiểu...”.
Từ dự báo sai...
Xin trở lại với trận lụt lịch sử vừa qua để thấy công tác dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư (thuộc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT) yếu kém đến mức nào. Cho đến trước đêm thứ 5 (30-10), bản tin dự báo của Trung tâm này vẫn chỉ đưa ra các thông tin như những ngày bình thường: Khu vực Hà Nội: Ít mây, có mưa rào nhẹ và giông nhiều nơi... Để rồi chính cái mưa rào nhẹ đó đã “đột nhiên” biến thành mưa lớn trên diện rộng nhiều nơi, khiến người dân không kịp trở tay.
Một chuyên gia về PCLB cho biết, trong nhiều năm nay, bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư không hề thay đổi, dự báo rất chung chung, thậm chí nhiều người thuộc lòng. Dự báo thời tiết cho 7 vùng khu vực trong cả nước thì luôn thấy đại loại: Khu vực phía Tây Bắc bộ ít mây ngày nắng, đêm không mưa... Trả lời câu hỏi của báo chí về trận mưa này, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm lại gọn lỏn: “Để dự báo được những trận mưa có cường độ kỷ lục lên tới vài ba trăm milimet trong 1-2 ngày thì thế giới cũng chưa thể dự báo được”.
Trái với điều ông Tăng nói, chúng tôi được biết ở Nhật Bản, Đài Khí tượng quốc gia có thể dự báo chính xác thời tiết cho đến từng khu vực nhỏ (tương đương cấp quận) với thời gian mưa, lượng mưa... Một chuyên gia nói: “Tuy Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư đã được trang bị công nghệ dự báo đến 72 giờ, nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là họ không có người đọc được công nghệ này”.
Đến “báo hoảng”
Dư luận trong những ngày qua đã rất bất bình trước các thông tin dự báo sắp có mưa lớn mà Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư đưa ra, khiến nhiều người phải vội sơ tán, tích trữ lương thực.
Nhiều người cho đó là “báo hoảng”. Trước đó, chiều 2-11 - lúc “nước sôi, lửa bỏng” nhất về mưa lớn, úng ngập, chúng tôi đã liên lạc với nhiều lãnh đạo của Trung tâm này về diễn biến thời tiết trong những ngày sắp tới và đều bị từ chối trả lời. Cuối cùng, chỉ có một người (đề nghị giấu tên) dám trả lời là sẽ có mưa lớn 100-200mm trong những ngày tới tại Hà Nội và khu vực phía Bắc.
Ngay cả ông Bùi Minh Tăng, trong các cuộc họp tại Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng liên tục đưa ra các cảnh báo: “Sẽ có mưa lớn từ 100-200mm, thậm chí có nơi đến 300-400mm trong các ngày từ 6 đến 8-11 tại khu vực Bắc bộ”. Như đã thấy, mấy ngày qua là trời nắng đẹp và chỉ... mưa phùn trong ngày 7-11. Chính các dự báo này đã khiến các bộ, ngành bị động, có lúc đã phải đưa ra các “kịch bản” xấu cho Hà Nội.
Dự báo kiểu “ba phải”
Về dự báo bão, dù Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư có trách nhiệm thông báo kịp thời, rõ ràng, cụ thể về bản đồ, tọa độ, thời điểm, các tỉnh bị ảnh hưởng. Không được đưa những dự báo chung chung, khó hiểu”... nhưng Trung tâm này vẫn đưa ra bản tin dự báo: “Trưa hôm nay (9-11) bão số 9 hầu như ít di chuyển. Hồi 13 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ vĩ Bắc; 116,1 độ kinh Đông, trên khu vực Bắc biển Đông”. Trong khi đó Trung tâm vẫn không đưa ra được dự báo rõ ràng, cụ thể là bão sẽ ảnh hưởng tới đâu vào những tỉnh nào. Vậy nhưng trước đó vài ngày, chính Trung tâm này vẫn đưa ra cảnh báo cho hàng loạt các tỉnh dọc bờ biển miền Trung.
Ông Bùi Minh Tăng đã đưa ra hai kịch bản trái ngược về cơn bão số 9, mà kịch bản nào cũng có thể... xảy ra. Kịch bản một tốt, cơn bão quay ra biển Đông. Kịch bản thứ hai rất xấu, và khả năng xảy ra nhiều hơn: Bão số 9 tiếp tục quặt theo hướng Tây và đi theo hướng Tây Tây Nam, quét dọc bờ biển Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ, quét tới tận bán đảo Cà Mau. Với kịch bản này, toàn bộ các tỉnh miền Trung và Nam Bộ sẽ bị "càn quét" mạnh. Hướng đi này giống với cơn bão Durian năm 2006. "Chiều 7-11, bão đến gần Hoàng Sa, từ Hoàng Sa đi đâu còn rất phức tạp, bây giờ chưa thể nói chắc. Các tỉnh miền Trung và Nam bộ cần liên tục theo dõi diễn biến của cơn bão nguy hiểm này" - ông Tăng đặc biệt nhấn mạnh. Nhiều chuyên gia đã nhận định kiểu dự báo này là “ba phải”.
Bão số 9 diễn biến phức tạp Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư cho biết, chiều 9-11, bão số 9 đã suy yếu đi một ít. Lúc 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ vĩ Bắc; 116,1 độ kinh Đông, trên khu vực Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Trong ngày 10- 11, bão di chuyển theo hướng giữa Nam và Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ vĩ Bắc; 115,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9- 10. Theo ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, đến trưa 10-11, có thể bão đổi hướng một lần nữa từ Nam Đông Nam sang hướng giữa Nam và Nam Tây Nam, lúc này bão nằm giữa biển Đông và tiếp tục đi về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa. Khi đi qua Trường Sa, bão số 9 có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng chưa tan ngay mà suy yếu thành vùng thấp và đi về vùng biển giữa Nam bộ và Malaysia. Vùng thấp này có thể di chuyển về vùng biển Tây Nam. Ông Bùi Minh Tăng nhận định, cơn bão này có diễn biến rất phức tạp. Cũng có khả năng bão số 9 sẽ đi dọc biển Đông rồi sang Thái Lan, song cũng có mô hình dự báo cho rằng, bão số 9 có thể quay ngược ra biển Đông rồi tan như cơn bão Durian (bão số 7) năm 2007. Khó khẳng định đúng hay sai (!?)... Chiều qua 9-11, chúng tôi đã trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thắng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng, khí hậu (Viện KTTV và Môi trường, Bộ TN&MT) về việc dự báo thời tiết có nhiều sai sót trong thời gian vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, lỗi dự báo thời tiết sai như vừa qua là có phần trách nhiệm của Trung tâm do ông lãnh đạo. Ý kiến của ông như thế nào? - Chức năng của chúng tôi đúng là áp dụng kỹ thuật tiến bộ, tổ chức thực hiện ra thông báo và dự báo khí tượng, khí hậu... Những thông báo của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo, được chuyển tải trên website của Viện KTTV&MT, đồng thời được chuyển tới Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư. Nhưng là đơn vị được Nhà nước đầu tư thiết bị khá hoàn thiện để đưa ra các thông tin dự báo, chẳng lẽ Trung tâm chỉ đưa những thông tin mang tính tham khảo? - Chúng tôi là đơn vị nghiên cứu. Với khả năng của mình, chúng tôi cố gắng đưa thông tin chúng tôi nhận được từ các thiết bị. Việc khẳng định thông tin đó đúng hay sai thì rất khó. Việc này là do Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư thẩm định. |