Và câu chuyện xung quanh chuyện ngoại ngữ của những học sinh, sinh viên Việt bên xứ người từ chính những người “trong cuộc" này đã khiến nhiều người phải suy nghĩ về cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam.
Ta nói ta hiểu, Tây nói tây hiểu!
Những học sinh, sinh viên đã qua được cửa phỏng vấn của các đại sứ quán ít nhiều cũng có vốn ngoại ngữ tàm tạm, đặc biệt với những người theo học chuyên ngành thì có khi trình độ ngoại ngữ còn là hạng siêu. Ngọc Anh là trường hợp như vậy. Cô đã tốt nghiệp một trường ĐH ngoại ngữ tại Việt Nam, nay trúng một suất học bổng sang Mỹ học cao học chuyên ngành du lịch.
Rất tự tin xách vali sang xứ người, bởi Ngọc Anh nghĩ dù gì thì mình cũng đã nắm chắc chiếc chìa khóa "ngoại ngữ". Vậy nhưng chỉ hai ngày ở Mỹ, Ngọc Anh đã phát hoảng. Cô không hiểu sao khi muốn trao đổi gì với ông bà chủ nhà cho cô ở nhờ thì "ta nói ta hiểu", "Tây nói tây hiểu"! Sau những nỗ lực bất thành của ngôn ngữ thân thể, hai bên đành phải ghi ra giấy những từ mà mình muốn nói. Hóa ra là cùng một từ, một câu, nhưng mà ông bà chủ nhà phát âm một kiểu, còn Ngọc Anh lại nói một giọng khác hẳn.
Ngày nhập học với tâm trạng hân hoan, nhưng ngay sau buổi học đầu tiên đó, cô lại thất thểu về nhà. Cả buổi thầy nói gì cô cũng ù ù cạc cạc. Đến giờ phát biểu chủ đề tiểu luận, cô lại càng không dám tham gia, vì có nghe hiểu gì đâu mà đề đạt. Mất một tuần lên lớp, Ngọc Anh mới làm quen được với một cô bạn người Trung Quốc. Cũng phải giơ tay làm dấu mãi cô mới mượn được bạn quyển vở. Về nhà giở ra, thấy toàn những câu nằm lòng khi còn ở nhà, vậy mà sang đây lại rơi vào tình trạng như chưa bao giờ biết tiếng Anh. Hoang mang, Ngọc Anh phải gọi điện thoại về nhà nhờ tư vấn. Chứ nếu không thì cô sẽ phải bay trở về nước sớm bởi không theo kịp các giờ lên lớp, khó hoàn thành được khóa học 2 năm.
Chỉ giỏi đọc, viết, kém nghe nói
May sao, Ngọc Anh đã được trung tâm tư vấn giới thiệu đến Nguyễn Lâm, du học sinh đã học ở Mỹ được 3 năm, nhờ giúp đỡ về cách nói tiếng Anh. Khi nghe chuyện của Lâm, Ngọc Anh mới hiểu ra nhiều điều. Thì ra lúc đầu đến Mỹ, Lâm cũng rơi vào tình trạng như vậy. Cậu không hiểu gì thầy nói, lõm bõm dỏng tai nghe bạn nói và lúc nào cũng im lặng. Vậy nhưng đến bài kiểm tra viết thì cậu làm rất nhanh, đọc gì cũng hiểu ra sớm hơn chúng bạn. Tiếc công thi mãi mới được một học bổng ngon lành, Lâm một thời gian dài sáng mượn vở bạn chép bài, tối về đào sâu suy nghĩ.
Sau 1 năm cố gắng, Lâm đã tìm ra được lời giải: Cách phát âm của du học sinh Việt Nam không chuẩn. Chính bởi vậy nên dù học giỏi ngoại ngữ khi ở trong nước nhưng ra nước ngoài, học sinh Việt nói tiếng Anh nhưng với người bản xứ lại thành một ngoại ngữ khác. Và khi nói đã không chuẩn, nghe lại càng thiếu chuẩn hơn. Nếu không kịp thời chỉnh sửa, sẽ không thể theo kịp chương trình học, hoặc cố gắng thì sẽ rất mệt mỏi. Từ kinh nghiệm của mình, Lâm đã đăng ký cho Ngọc Anh một khóa học tiếng Anh nghe nói cấp tốc. Và sau 3 tháng sáng theo học trên giảng đường, tối có mặt ở lớp luyện tiếng, ngày nghỉ ngày lễ giao lưu cùng các bạn, ở nhà tích cực nói chuyện với "bố mẹ nuôi", Ngọc Anh đã nói kha khá thứ tiếng Anh mà cả người Mỹ và đều cô hiểu. Từ cái nền ngoại ngữ sẵn có, điều chỉnh một chút, Ngọc Anh đã vượt qua được rào cản khiến cô toát mồ hôi hột những ngày đầu đến đây.
Làm cho ngoại ngữ là “sinh ngữ"
Thật dễ hiểu khi người ta nói ngoại ngữ là "sinh ngữ", nghĩa là ngôn ngữ sống. Học từ mới thì phải có câu để nói, có ngữ cảnh để áp dụng, phải cập nhật với đời sống, thế mới nhớ lâu được. Một số chương trình dạy và học ngoại ngữ hiện nay tại Việt Nam có từ, câu, bài hội thoại vốn chỉ có trong văn viết và đã lạc hậu so với thời cuộc. Hay cách dạy ngoại ngữ chỉ chú trọng đến ngữ pháp, đến cấu trúc câu, thiên về phần đọc hiểu cũng khiến học sinh mất đi kỹ năng nghe nói, vốn rất quan trọng trong giao tiếp hàng ngày. Vì lúc nào cũng chỉ sợ mình nói sai ngữ pháp, nói một câu mà phải suy nghĩ hồi lâu sắp đặt câu, từ... nên một số học sinh Việt Nam chậm hơn những du học sinh khác trên giảng đường.
Thêm vào đó, cách nói không chuẩn cũng gây không ít phiền toái. Cũng là một từ tiếng Anh, nhưng hiếm có học sinh, sinh viên nào sẵn lòng tra từ điển online, nghe đọc trực tuyến để có một âm chuẩn, mà đa số tìm cách tra sách, không cần biết phiên âm quốc tế đọc lên thế nào, mục đích nhăm nhăm là tìm ra nghĩa từ... Những cách học ngoại ngữ thiếu khoa học như vậy đã khiến một người, dù siêu ngoại ngữ ở trong nước, nhưng khi ra nước ngoài lại phải mất thời gian để học lại, nghe lại, nói lại..., chưa kể những cú sốc khi va đập với chính ngôn ngữ tưởng rằng mình rất thạo trên xứ người.
Nắm chắc được ngoại ngữ, coi như đã đi được nửa con đường du học. Và ngay từ bây giờ, hãy thay đổi phương cách học ngoại ngữ "chay " tại Việt Nam. Hãy để ngoại ngữ là một ngôn ngữ sống động, dù đi bất cứ quốc gia nào.
Mạn Ngọc