Nhỏ Bình thường Lớn

Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Hay nhưng chưa phải tuyệt tác

Nhiều người xem “Bố già” như một "tuyệt tác" của điện ảnh Việt Nam, để rồi tạo thành một trào lưu tung hô rầm rộ. Thực tế thì sao?
Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Hay nhưng chưa phải tuyệt tác
Phim 'Bố già' cán mốc doanh thu 100 tỷ chỉ sau 4 ngày công chiếu.

Bom tấn của Trấn Thành là một trong những phim Việt ra mắt thành công nhất sau mùa dịch, cán mốc doanh thu 100 tỷ chỉ sau 4 ngày công chiếu.

Kịch bản chỉn chu, dàn diễn viên thực lực, quay đẹp, “Bố già” là một phim tốt với mặt bằng điện ảnh Việt Nam, nhưng chưa đến mức gọi là “tuyệt tác” và chưa xứng đáng được tung hô như vừa qua.

“Bố già” xoay quanh gia đình ông Ba Sang, một gia đình nhiều thế hệ gồm 4 anh chị em Giàu – Sang – Phú – Quý nhưng mãi vẫn... nghèo, sống chen chúc trong con hẻm lao động giữa Sài Gòn hoa lệ. Cái xóm nghèo ấy thường xuyên ngập nước khi mưa lớn, người dân lấn chiếm đường chung, hàng xóm ồn ào sẵn sàng chặn ngõ khi “nhà có đám”… Tất cả những hình ảnh đó khiến ai cũng cảm thấy “như đã gặp đâu đó ngoài đời”.

Phim ghi điểm nhờ kịch bản chặt chẽ, kết cấu những đoạn cao trào thắt nút mở nút hợp lí và lối thoại đậm chất đời thường. “Bố già” khai thác đề tài gia đình bằng một góc rất riêng. Xuyên suốt bộ phim là tổng hòa câu chuyện về hàng xóm láng giềng, họ hàng bà con và người thân trong gia đình. Ở đó có người cha già – Ba Sang (do Trấn Thành đóng) cả đời vì con trai Quắn (do Tuấn Trần đóng) và đứa con gái nuôi nhỏ xíu (bé Ngân Chi đóng).

Câu chuyện mâu thuẫn thế hệ trong gia đình là mâu thuẫn chính trong phim. Những trận cãi vã “nảy lửa” giữa 2 cha con vì lối sống khác nhau khiến người xem ngậm ngùi, chua xót. Ba Sang tuy nghèo về vật chất nhưng nguyện bù đắp cho con bằng sự hy sinh vô bờ bến. Mọi câu chuyện liên quan đến gia đình, đến đấng sinh thành đều vốn dĩ chưa cần đao to búa lớn, cứ giản dị đời thường một cách chân thật thì cũng đã đủ lấy nước mắt người xem bởi thứ tình cảm ấy quả thật rất thiêng liêng.

Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Hay nhưng chưa phải tuyệt tác
Trấn Thành (vai Ba Sang) với lối diễn xuất khá tinh tế, thể hiện chiều sâu nội tâm nhân vật.

Điểm đặc sắc của phim là nhiều đoạn các nhân vật tranh cãi nhưng người xem vẫn cảm nhận được tình cảm gia đình sâu đậm. Biên kịch cũng khéo léo giấu một vài chi tiết để khắc họa những nét tính cách đối lập của cùng một nhân vật.

Trấn Thành ở sản phẩm tâm huyết này (anh cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò: biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên chính) đã tiết chế được lối diễn xuất cường điệu, nhấn nhá để có một cách thể hiện cân bằng hơn và có chiều sâu nội tâm.

Một điểm sáng nữa “Bố già” là những thước phim đẹp, kỹ thuật cao, mang dấu ấn của đồng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Có thể thấy những tác phẩm của đạo diễn trẻ tài năng Vũ Ngọc Đãng luôn dành một tình cảm đặc biệt cho Sài Gòn. Ở “Bố già” cũng vậy. Ngay đầu phim, Vũ Ngọc Đãng đã đãi người xem bằng thủ pháp “một cú máy” kéo dài gần 10 phút, giới thiệu hầu hết các nhân vật chính trong phim. Thủ pháp này còn được sử dụng lại một vài lần, khiến người xem như được tận mắt quan sát những diễn biến trực tiếp từ phim trường chứ không phải những mảnh cắt ghép vô nghĩa.

Cũng cần phải ghi nhận diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội trong phim với toàn những “cây đa cây đề” trên sân khấu phía Nam như: NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Quốc Khánh, Lan Phương, Hoàng Mèo, La Thành, bé Ngân Chi... Trong đó nổi bật là diễn viên trẻ Tuấn Trần. Với xuất phát điểm là một diễn viên chỉ xuất hiện trên các webdrama, trong “Bố già”, Tuấn Trần đã thể hiện một lối diễn biến hóa, thể hiện cảm xúc đa dạng, hứa hẹn sẽ là một nhân tố nổi bật trong thời gian tới.

Nhưng nhìn chung, về tổng thể diễn xuất của các diễn viên nhiều đoạn vẫn bị sa vào lối diễn "kịch" của sân khấu miền Nam, nói quá nhiều mà quên mất nguyên tắc vàng của điện ảnh là "hãy thể hiện, đừng nói". Đó là hạn chế chung của nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình nước ta chứ không riêng gì "Bố già".

Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Hay nhưng chưa phải tuyệt tác
Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Hay nhưng chưa phải tuyệt tác

Mới ra mắt đã được coi là thành công, tuy nhiên nếu gọi “Bố già” là “siêu phẩm, tuyệt tác” như một số bài ca ngợi trên mạng xã hội vừa qua thì e là chưa tới. “Bố già” vẫn lạm dụng nhiều câu châm ngôn, triết lý gây bão mạng mà Trấn Thành vẫn thường thể hiện trên facebook cá nhân, thoại sử dụng nhiều lối chơi chữ nghịch đảo khiến nhiều chỗ nghe là biết dàn dựng, kịch bản đôi chỗ vẫn còn lan man, sa đà vào tiểu tiết.

Nhưng nhìn tổng thể, “Bố già” vẫn là một sản phẩm chất lượng, ra đời đúng thời điểm, bắt được trend cộng thêm kế hoạch phát hành hợp lí, tất cả những điều đó tạo nên thành công về doanh số cho phim.

TIN LIÊN QUAN
Phim Bố già của Trấn Thành 'lên hương' khi cán mốc 100 tỷ đồng trong chưa đầy 4 ngày
Trước phát ngôn gây sốc của Hồ Ngọc Hà về phim Bố già 'nếu ai không đi xem chứng tỏ sống rất hời hợt', Trấn Thành nói gì?
Sao Việt tuần qua: Hồ Ngọc Hà nhắn nhủ 'cánh mày râu' ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Bố già của Trấn Thành bất ngờ lập kỷ lục không tưởng
'Bố già' bản điện ảnh thu về 22 tỷ trong một ngày, lập kỷ lục phòng vé
Nhiều phim Việt có lịch chiếu mới sau khi 'hoãn lên hoãn xuống' vì dịch Covid-19

(theo Anh Tuấn/VOV2)