Học phí Đại học Bách khoa Hà Nội cao nhất 90 triệu đồng/năm |
Theo Đề án tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội, năm học 2023 – 2024, mức học phí đối với các chương trình chuẩn của trường dao động từ 23 – 29 triệu đồng tùy từng ngành.
Các chương trình chất lượng cao, ELITECH dao động từ 33 - 42 triệu đồng/năm học, riêng chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có học phí 57 - 58 triệu đồng/năm học.
Chương trình song bằng tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế có học phí 45 triệu đồng/năm học, đã bao gồm phí ghi danh.
Các chương trình có chuẩn đầu ra ngoại ngữ khác (chương trình quốc tế) và liên kết đào tạo quốc tế (đối tác nước ngoài cấp bằng) có học phí 25 - 30 triệu đồng/học kỳ (riêng chương trình TROY-BA và TROY-IT có 3 học kỳ, tương đương 90 triệu đồng/năm học).
Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH Bách khoa Hà Nội là 7.985 sinh viên, trong đó 15 - 20% chỉ tiêu tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, 85 - 90% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá tư duy.
Điểm mới trong mùa thi năm nay là ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ không áp dụng điều kiện học bạ đối với thí sinh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy.
Tất cả các ngành/chương trình tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội đều sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, không áp dụng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh.
ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi Đánh giá tư duy vào ngày 10/6, 17/6 và 8/7 tại 9 cụm thi: Hà Nội (10 trường đại học, học viện), Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Thay vì thi theo hình thức thi truyền thống (thi giấy, bài thi trắc nghiệm + tự luận) như những năm trước, ĐH Bách khoa sẽ thi trực tuyến trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi: Chọn phương án đúng; Chọn câu trả lời đúng hoặc sai; Điền đáp án; Kéo/thả đáp án.
Bài thi Đánh giá tư duy cũng đã được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ (150 phút), với 3 phần thi: Tư duy toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút).
Câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với 3 mức: Mức 1 – Tư duy tái hiện; Mức 2 – Tư duy suy luận; Mức 3 – Tư duy bậc cao.