Khách du lịch Check-in cánh đồng hoa tam giác mạch Hà Giang. (Ảnh: Hà Thúy) |
Khai phá “vùng đất” mới
Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, đoàn khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có 5 ngày trải nghiệm thực địa ở Hà Giang qua các địa danh Quản Bạ, Lúng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.
Là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, Hà Giang vẫn khẳng định có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được giữ gìn và phát huy... là tiềm năng, lợi thể để đẩy mạnh phát triển du lịch.
Thế nhưng, du lịch của tỉnh hiện phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn bộc lộ một số hạn chế nh qui hoạch và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho du khách ; các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp ; chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu.
Mặt khác, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý du lịch chưa chặt chẽ và ác cơ sở kinh doanh du lịch chưa chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, chuyến đổi số về du lịch.
Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2015, tầm nhìn 2030, tỉnh Hà Hà Giang cũng nhận thấy các sản phẩm du lịch còn trùng lặp, thiếu tính chiến lược, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp.
Bởi vậy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết trong hoàn cảnh tđang gồng mình chống Covid-19, tỉnh vẫn tăng cường tuyên truyền quảng bá du lịch, rà soát lại điều kiện nâng cấp cơ sở dịch vụ để đón du khách trở lại.
Tỉnh cũng phối hợp với các địa phương khác khảo sát các tour an toàn, đủ điều kiện đón khách, tổ chức tọa đàm trực tuyến, làm clip giới thiệu du lịch Hà Giang.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, Hà Giang tích cực Phát triển sản phẩm du lịch mới. Trong đó, nổi bật là nghiên cứu rà soát bảo tồn xây dựng một số làng văn hóa du lịch cộng đồng mới gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch khác hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Điển hình là Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Vai sẽ được phát triển gắn với Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai; khu du lịch Mê cung đá kết nối với tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Bảo Lâm 1; Làng văn hóa du lịch Cốc Pảng gắn với khu du lịch Du Già theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị du lịch, trung tâm dược liệu chăm sóc sức khỏe, trang trại nghĩ dưỡng đặc sắc.
Tỉnh cũng đang triển khai dự án làng văn hóa du lịch phức hợp đa trải nghiệm OASIS Mã Pì Lèng với chức năng bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông gắn với các sản phẩm hỗ trợ khai thác giá trị danh thắng Mã Pì Lèng, đồng thời đầu tư xây dựng 4 trung tâm bảo tồn và diễn xướng văn hóa truyền thống các dân tộc.
Đáng chú ý, cùng với việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và mạo hiểm, sản phẩm du lịch thương mại, biên giới đang được Hà Giang chú trọng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách, cũng như kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm đặc trưng địa phương.
Theo đó, Hà Giang sẽ khai thác thế mạnh của cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), Săm Pun (huyện Mèo Vạc), Mốc Năm (huyện Xín Mần) theo mô hình trung tâm thương mại với hệ thống cửa hàng miễn thuế và trung tâm giới thiệu sản phẩm địa phương phục vụ khách.
Tỉnh Hà Giang đang tích cực khai thác những hình thức du lịch mới. (Ảnh: Hà Thúy) |
Tìm đường chuyển đổi số
Không chỉ Hà Giang nhanh chóng có những thích ứng kịp thời với bối cảnh mới, tỉnh Lào Cai cũng đã có sự thay đổi kịp thời để phục hồi và phát triển du lịch.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng, để tạo động lực cho du lịch phát triển trong giai đoạn tới, tỉnh xác định chuyển đổi số và xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành và các địa phương, tỉnh cũng mong các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các nền tảng chuyển đổi số và các đơn vị kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh dịch vụ chủ động kết nối, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng sản phẩm du lịch thông minh trên địa bàn.
Là địa bàn du lịch trọng điểm, thị xã Sa Pa đã xây dựng và vận hành hiệu quả các ứng dụng, trang web cung cấp thông tin cho du khách từ nhiều năm trước.
Mới đây, thị xã đưa Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh vào hoạt động, trong đó có nhiều hạng mục ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Đó là hệ thống camera giám sát kết hợp loa thông minh đặt tại các vị trí trọng điểm về cảnh quan; số hóa dữ liệu điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn thị xã; thí điểm ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin du lịch ảo đối với các điểm du lịch do thị xã quản lý...
Ngoài ra, thị xã Sa Pa đang thực hiện số hóa tài nguyên du lịch, trong đó bước đầu đưa hình ảnh 3D chất lượng cao để du khách dễ tìm hiểu cũng như trải nghiệm ảo trước khi đến tham quan thực tế. Địa phương cũng đang phối hợp với các nhà mạng gửi tin nhắn thông tin du lịch khi du khách bắt đầu đặt chân đến địa bàn thị xã.
Được biết, huyện Bắc Hà cũng đã phối hợp với với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) xây dựng, phát triển trang web tại địa chỉ https://www.bachatourism.com/, cung cấp cho du khách cái nhìn tổng thể về tài nguyên du lịch địa phương trước khi đến trải nghiệm, khám phá.
Hiện tại, huyện đang từng bước hoàn thiện và đã ra mắt bản chạy thử nghiệm, đồng thời kêu gọi sự đóng góp về nội dung và hình ảnh từ những người yêu mến mảnh đất "cao nguyên trắng" để hoàn thiện trang web, góp phần quảng bá, phát triển du lịch, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Nỗ lực cùng với các địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cũng tiếp tục duy trì các trang thông tin của tỉnh, thường xuyên cập nhật thông tin và xây dựng hình ảnh 3D các điểm du lịch nhằm tạo sự phong phú, chân thực cho du khách khi tiếp cận thông tin.
Thị xã Sa Pa mờ sương. (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Thời của Famtrip và Caravan
Thực hiện mục tiêu kích cầu du lịch, tỉnh Lai Châu cũng đang triển khai chuỗi sự kiện kết hợp với hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến về tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương gắn với triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và thông điệp “Lai Châu điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn” để thu hút khách du lịch trong các tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh việc huy động sự tham gia, hưởng ứng của doanh nghiệp du lịch để tạo ra các dịch vụ du lịch liên hoàn với các chương trình du lịch độc đáo, đặc sắc để thu hút du khách, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kết nối, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi nguồn khách nội địa.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm du lịch trên địa bàn, tỉnh còn phát động phòng trào “Người Lai Châu đi du lịch Lai Châu” góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đưa ngành du lịch tỉnh từng bước phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lai Châu đã lên kế hoạch tổ chức chương trình tour Caravan (xe ô tô 4 bánh) với chủ đề “Hành trình về với vùng xanh” tại một số điểm du lịch tại thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường, huyện Tân Uyên, huyện Than Uyên.
Tại chương trình này, du khách được tham quan, trải nghiệm trực tiếp tại các điểm du lịch kết hợp với truyền thông trên nền tảng trực tuyến để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch địa phương tới du khách.
Một chương trình thú vị khác cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu dự định tổ chức là Famtrip chinh phục đỉnh Putaleng tại xã Hồ Thầu, xã Tả Lèng. Tại đây, du khách sẽ được thử nghiệm chương trình leo núi chinh phục đỉnh Putaleng và khám phá văn hóa dân tộc Dao và Mông. Những hình thức du lịch mới này sẽ góp phần hồi sinh du lịch cho mảnh đất vùng biên Lai Châu.
| Du lịch Việt Nam tìm cách thích ứng an toàn với Covid-19 Đại dịch đã khiến chưa bao giờ ngành du lịch trải qua khó khăn như lúc này. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương cũng đang ... |
| Trong du lịch không có khái niệm ranh giới giữa tỉnh nọ và tỉnh kia! Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, mọi người cần phải làm quen với ... |