Được tổ chức tại Maldives, Hội nghị Cấp cao Toàn cầu UNWTO 2022 nhằm khẳng định vai trò của du lịch cộng đồng trong phát triển ngành công nghiệp không khói giai đoạn tiếp theo, khi thế giới có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ Bộ quản lý du lịch, Cơ quan du lịch quốc gia các nước thành viên UNWTO, các tổ chức quốc tế, chuyên gia đầu ngành du lịch và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo du lịch của nhiều quốc gia. Trong đó, Đoàn Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh làm Trưởng đoàn đã tham dự.
Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao Toàn cầu UNWTO 2022. (Nguồn: Báo Văn hóa) |
Sản phẩm của hậu đại dịch
Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định, Hội nghị được tổ chức vào thời điểm quan trọng khi các thị trường nguồn khách trọng điểm dần mở cửa. Nhu cầu đi du lịch bị dồn nén trong hơn hai năm vừa qua đang được giải phóng và sẽ mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn. Điều này cũng đòi hỏi ngành Du lịch toàn cầu phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi trường hợp, tình huống có thể xảy đến.
Khẳng định du lịch cần được khai thác để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, ông Pololikashvili cho biết, ưu tiên của UNWTO là đảm bảo cộng đồng được hưởng lợi và trao quyền. Hội nghị lần này là dịp để các cơ quan nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm về việc đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Chia sẻ tại đây, diễn giả chính tại Hội nghị, GS Jafar Jafari - biên tập viên sáng lập Biên niên sử Nghiên cứu Du lịch (Annals of Tourism Research) cho biết, sau đại dịch, góc nhìn đối với ngành Du lịch trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Ở đó, chất lượng được đề cao hơn số lượng, thay vì các đoàn du lịch đông người ta đi theo các nhóm nhỏ, du lịch cộng đồng là lựa chọn thân thiện với biến đổi khí hậu…
GS Jafar Jafari nhận định một nơi đáng sống sẽ là một nơi đáng để đi du lịch. Bởi vậy, du lịch cộng đồng phải là tổng hòa của sức khỏe, sung túc và hạnh phúc cho cả cộng đồng và khách du lịch.
Qua các nghiên cứu và hội thảo về du lịch, ông Jafari đưa ra những chữ “S” về ngành Du lịch sau đại dịch, đó là: Safety - an toàn, Security - an ninh, Sanitation - vệ sinh, Service - dịch vụ, Sympathy - đồng cảm, Small - nhỏ, đơn giản, Sustainability - bền vững.
Theo ông, đây là thời điểm thích hợp để làm mới sản phẩm du lịch và xúc tiến các sản phẩm ngách dành cho nhóm nhỏ du khách trở nên phổ biến hơn như: du lịch ẩm thực, du lịch y tế/chăm sóc sức khỏe/spa, du lịch xe đạp, du lịch âm nhạc/ yoga, du lịch nông nghiệp/trang trại/làng, du lịch dành cho lứa cao tuổi…
Ông Safari cũng cho rằng slow tourism - du lịch chậm, như một giải pháp được quan tâm trở lại sau đại dịch nhằm nâng cao chất lượng du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Một số biện pháp khác được gợi ý để phục hồi ngành Du lịch và phát triển du lịch cộng đồng: chú trọng sự hiếu khách của ngành Du lịch, điều đã khá mai một sau đại dịch; lắng nghe ý kiến của cộng đồng địa phương; xác định sức chứa của điểm đến để quản trị hiệu quả việc quá tải du lịch; xây dựng mạng lưới các bên liên quan trong ngành.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào chất lượng thay vì số lượng khách đến; chú trọng đến sự hài lòng của cộng đồng địa phương ngang với sự hài lòng của du khách để ngành Du lịch cân đối được lợi ích của cả hai phía.
Kinh nghiệm thực tế từ các nước
Tại Hội nghị này, ông Faisal Naseem - Phó Tổng thống Maldives cho biết, Maldives là một trong những quốc gia có ngành Du lịch phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, tuy nhiên còn đối mặt nhiều thách thức trong công cuộc bảo vệ môi trường, đổi mới và chuyển đổi số, đảm bảo bình đẳng và công bằng lợi ích cho các bên tham gia…
Phó Tổng thống Faisal Naseem khẳng định, định hướng của Maldives là phát triển trở thành một điểm đến du lịch dễ tiếp cận hơn, công bằng về lợi ích và thân thiện với môi trường, nhằm đảm bảo du lịch trở lại mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò là ngành kinh tế tạo ra việc làm tốt, thu nhập ổn định và bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên quốc gia.
Maldives nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng đắt đỏ và sang trọng. Vì vậy việc thay đổi chiến lược quảng bá để hướng tới nhiều đối tượng khách cho phân khúc du lịch cộng đồng còn nhiều thách thức. Tuy nhiên theo xu hướng chung của giới trẻ là mong muốn di chuyển và khám phá nhiều hơn, hiện nay các mô hình du lịch cộng đồng và home stay đang dần được triển khai tại nước này.
Cũng tại sự kiện, một số Bộ trưởng Du lịch, tổ chức quốc tế đã tham gia thảo luận cấp cao về du lịch cộng đồng để cùng chia sẻ về các xu hướng mới sau đại dịch, đồng thời chỉ rõ các yếu tố cần thiết phát triển cộng đồng thịnh vượng, bảo vệ được các lợi ích và giá trị của địa phương.
Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo năng lực để người dân địa phương trở thành những “người kể chuyện”. Nước này cũng đề xuất có các chính sách phù hợp khuyến khích người trẻ tuổi ở lại địa phương và tham gia vào ngành Du lịch, thay vì dịch chuyển tới các thành phố lớn.
Du lịch cộng đồng được coi trọng tại Malaysia. (Nguồn: Pinterest) |
Đối với Nicaragua, du lịch là ngành quan trọng để xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa và di sản địa phương. Vì vậy, Chính phủ nước này ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tiếp cận với tài chính và đầu tư, được đào tạo về công nghệ và quảng bá số.
Indonesia hiện tập trung vào các chương trình cấp chứng nhận bền vững môi trường cho doanh nghiệp và điểm đến du lịch cộng đồng, thời gian gần đây tăng cường đào tạo cho cộng đồng về các quy trình, thủ tục mới đảm bảo an toàn sức khỏe trước đại dịch Covid-19.
Gambia đặt trọng tâm vào phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt mở các văn phòng quản lý du lịch tại các vùng trên cả nước. Trong khi đó, Đông Timor trước mắt đang trong giai đoạn đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực địa phương, tuyên truyền về lợi ích của du lịch cộng đồng và thuyết phục người dân ủng hộ, tham gia vào hoạt động du lịch.
Bài học thực tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam, du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam..., đến nay, du lịch cộng đồng đã mở rộng trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Giai đoạn 2015 đến nay là quãng thời gian hoạt động du lịch cộng đồng phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, loại hình này đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và nhà nước, đặc biệt ở một số địa phương như Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Nam…
Bên cạnh lợi ích kinh tế xã hội, du lịch động đồng đã giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn, lưu giữ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cũng cho rằng du lịch cộng đồng là du lịch về nhà và là xu hướng của thế giới.
Đối với mỗi người, du lịch về nhà là tạo ra không khí thân thiện, ấm cúng, thoải mái và an tâm cho du khách. Khi tham gia du lịch cộng đồng, người dân địa phương bảo tồn văn hoá của họ, tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng, giúp bình đẳng giới và giữ chân người trẻ ở lại phát triển địa phương.
Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển du lịch cộng đồng nhanh của cả nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho rằng thời điểm này mới bàn việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng là hơi muộn, bởi lẽ ra chúng ta đã phải có chính sách phát triển hiệu quả cho loại hình này từ lâu.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững vào giai đoạn 2023-2025.
Sau đó, tỉnh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng các điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Du lịch cộng đồng Việt Nam phát triển mạnh tại Tây Nguyên. (Nguồn: Vntrip) |
Với xu hướng phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới như hiện nay, có một số bài học về chính sách và phát triển thị trường cần được xem xét cho việc phát triển loại hình tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, cho rằng du lịch cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.
Về vấn đề này, TS. Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, cũng nêu một số bài học quốc tế. Theo ông, du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách, chiến lược và đề án phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và các địa phương trong thời gian tới.
Ngoài ra, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, cũng như Nhà nước cần có chính sách đầu tư và hỗ trợ thích đáng.