Vụ cá chết khiến du lịch biển đìu hiu hơn. (Ảnh: Thu Huyền) |
Tình trạng cá chết gần một tháng qua kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế không chỉ ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của người dân mà ngành du lịch hiện cũng đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề.
Quảng Bình thất thu dịp nghỉ lễ
Ngoài thế mạnh về hang động, tâm linh thì nguồn hải sản tươi ngon và bãi biển đẹp là lợi thế của du lịch Quảng Bình. Nhưng hiện nay, khách du lịch và cả người dân không dám ăn hải sản và tắm biển vì sợ nguồn nước nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 30% khách du lịch hủy tour tuyến, phòng khách sạn đã đặt trước đó.
Theo Công ty ITCm, công ty du lịch chuyên khai thác các tuyến nội địa, ngay khi xảy ra vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung, đã có hàng loạt khách gọi đến để hủy tour đến Quảng Bình, Lăng Cô (Huế), trong khi các điểm khác đều vẫn ổn định. Lượng khách hủy đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của công ty bởi các dịch vụ đều đã được đặt trước. Theo công ty này, nhiều khách đã chuyển hướng đến các điểm đến ở Nam Trung Bộ như Mũi Né, Nha Trang và Phú Quốc, thậm chí chấp nhận chi phí cao để đổi tour ngay khi kỳ nghỉ lễ đã cận kề nên vé máy bay còn rất ít và giá cao.
Theo một đại diện của công ty APT Travel, việc khách e ngại tới các vùng biển nói trên sẽ khiến hạn chế trong việc lựa chọn điểm đến cũng như triển khai tour từ các công ty du lịch. Điều này sẽ đẩy các điểm du lịch biển ở nơi khác, trong đó có miền Bắc vào tình trạng quá tải, khiến giả cả dịch vụ tăng cao vì khó đáp ứng đủ hết nhu cầu.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Bình, các sở chức năng đã có những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt cho ngành du lịch tỉnh nhà như khẩn trương chỉ đạo các nhà hàng, khách sạn liên kết với các tàu đánh bắt xa bờ, đảm bảo nguồn cung cấp hải sản đảm bảo phục vụ người dân và du khách. Mặt khác, thay đổi thực đơn từ đặc sản biển sang các loại đặc sản khác. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch không được để xảy ra bất kì một sơ suất nào trong việc lựa chọn và chế biến món ăn.
Tuy nhiên, ông Lê Chiêu Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho biết, chỉ trừ các tour du lịch hang động đến Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc tour du lịch tâm linh đến Vũng Chùa, Đảo Yến, Hang Tám Cô không bị ảnh hưởng nhiều, còn hầu hết tour du lịch biển ở đây đều bị thiệt hại, lượng khách hủy tour đã lên đến 30%.
Khủng hoảng lòng tin
Không riêng Quảng Bình, Một số hãng lữ hành cho biết họ liên tục nhận được điện thoại của khách hàng đã đặt tour đi chơi dịp lễ 30-4/1-5 ở miền Trung xin hủy tour hay chuyển lịch trình tới các điểm đến khác do tình hình cá chết, biển bị ô nhiễm.
Khách cho rằng, họ đi biển để tắm biển nhưng đang có những thông tin cho thấy nước biển có thể không đảm bảo an toàn nên khách quyết định hủy tour. Không chỉ lo ngại về nước biển, nhiều du khách còn hoang mang cả nguồn thức ăn được chế biến từ hải sản từ các điểm du lịch đó.
Trước tình hình này, một số hãng lữ hành đã buộc phải hoàn tiền cho khách thay vì tư vấn cho khách đi các điểm đến khác tại miền Trung. Trong lúc đó, các khách sạn nhà hàng cho rằng, họ đang đối mặt với một tình trạng bi đát chưa từng thấy. Dù đã bước vào mùa cao điểm du lịch nhưng gần như các bãi biển nổi tiếng đông khách ở miền Trung đều vắng bóng khách.
Đà Nẵng, một trong những địa phương bị liên lụy bởi tình trạng cá chết, cũng chịu chung số phận khi du khách e ngại tới nghỉ lễ tại cả dải bờ biển miền Trung. Mặc dù chiều 29/4, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố các kết quả kiểm tra cho thấy nước biển tại đây an toàn để tắm, nhưng rất nhiều du khách vẫn không khỏi không bán tín, bán nghi.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm là do các cơ quan chức năng quá chậm trễ trong việc tìm và công bố nguyên nhân, nguồn gốc của cá chết, khiến du khách hoang mang.
Hiện tượng cá chết dạt trắng bờ kéo dài hàng trăm km xưa nay chưa từng có ở miền Trung. Đây thực sự là một bài học về thảm họa môi trường đối với Việt Nam. Hậu quả của tình trạng này vô cùng nghiêm trọng và lâu dài mà chúng ta chưa nhìn thấy hết được. Ngay trước mắt, nhiều ngư dân đang lao đao vì mất kế mưu sinh, còn các ngành nghề dịch vụ, du lịch thì đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.
Đầu tháng 4 vừa qua, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ. |