TIN LIÊN QUAN | |
Khoảng 300.000 khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản năm 2016 | |
Du lịch nước ngoài thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản |
Ba thành phố Koshu, Fuefuki và Yamanashi đang lên kế hoạch cùng hợp tác xây dựng khu nghỉ dưỡng theo mô hình các nhà nghỉ truyền thống Nhật Bản (Ryokan) kết hợp với dịch vụ tắm suối nước nóng (Onsen). Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan các xưởng sản xuất rượu vang nổi tiếng và các địa danh thu hút tại địa phương.
Một loại hình du lịch mới
Từ lâu, Koshu, Fuefuki và Yamanashi và khu vực vùng ven của ba thành phố này đã tạo thành một vùng sản xuất rượu nho lớn nhất Nhật Bản. Theo cơ quan thống kê Nhật Bản, trong năm 2016 đã có khoàng 5,5 triệu du khách đến đây để nghỉ dưỡng và thưởng thức rượu nho. Tuy nhiên, có đến khoảng 70% du khách chỉ trải nghiệm tour du lịch một ngày.
Việc thay đổi cách thức làm du lịch ở địa phương trong tương lai đã được chính quyền các thành phố quan tâm và xem như là một động thái “mở cửa” nhằm tăng lượng du khách lưu trú dài hạn dựa vào những tiềm lực vốn có. Trong đó có việc phát triển hoạt động tham quan các nhà máy rượu vang nhằm thu hút du khách nán lại lâu hơn.
Rượu vang Nhật nổi tiếng nhờ chất lượng nguyên liệu đảm bảo. ( Nguồn: Japan Times) |
Chất lượng - ưu tiên hàng đầu
Nhà máy rượu Marufuji ở thành phố Koshu vừa kỷ niệm 127 năm thành lập. Nhà máy đã cố gắng cải tạo một ngôi nhà truyền thống (kominka) thành một khách sạn phục vụ khách du lịch. Dự kiến, khách sạn sẽ chính thức được đưa vào hoạt động vào tháng 3 năm sau.
Đến với những khách sạn kiểu kominka, du khách không chỉ có cơ hội thưởng thức hương vị của rượu vang mà còn được nghe giới thiệu về quá trình phát triển và các công đoạn sản xuất rượu vang của người Nhật.
Haruo Omura, Giám đốc điều hành của nhà máy rượu cho biết: “Tôi đã ấp ủ kế hoạch trong một thời gian khá dài. Tôi hy vọng du khách sẽ đánh giá cao sự hấp dẫn của nhà máy rượu có tuổi đời hơn 100 năm tại vùng này”.
Các dịch vụ chất lượng cao tại các khách sạn và các ryokan đều được chú trọng và đầu tư đến nơi đến chốn. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để thuyết phục khách hàng kéo dài thời gian lưu trú.
Kể từ năm 2016, chính quyền các thành phố đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ cho nhân viên tại các ryokan ở cả ba thành phố, bồi dưỡng cho họ những kiến thức cơ bản về rượu vang và du lịch địa phương. Nhiều học viên sau khi kết thúc khóa nghiệp vụ ngắn hạn đã tìm được công việc phù hợp trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch như nhân viên lễ tân hay chuyên viên cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, với mong muốn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp rượu vang phát triển và đưa sản phẩm đến gần hơn với nhiều đối tượng khách hàng, chính quyền nơi đây cũng thường xuyên tổ chức các lớp học về rượu vang dành cho các nhân viên của khách sạn. Phương châm “tiếng lành đồn xa” được chính quyền ba thành phố coi là một trong những bí quyết để thu hút khách du lịch.
Ngân hàng Yamanashi Chuo - một tổ chức tài chính trong vùng cũng dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho chủ các khách sạn, nhà trọ tại đây để phát triển khu vực này trở thành “thủ phủ” của các khu nghỉ dưỡng. Chủ tịch ngân hàng Yamanashi Chuo, ông Nakaba Shindo chia sẻ: “Tôi hy vọng rượu vang của vùng Yamanashi sẽ được nhiều khách hàng ưa chuộng và phổ biến rộng rãi”.
Thiếu nguyên liệu và nhân công là trở ngại lớn đối với ngành sản xuất rượu vang tại Nhật. (Nguồn: Japan Times) |
Theo ông Nakada Shindo, chi phí tham quan có giá khá hợp lý, chỉ khoảng 27.000 Yen (gần 5,4 triệu đồng) cho một chuyến đi dài ngày bao gồm tất cả các dịch vụ từ ăn ở đến chi phí mua quà lưu niệm. Đặc biệt, cuối chuyến đi, du khách còn được tặng kèm chai rượu vang trị giá khoảng 2.000 Yen (tương đương 400 nghìn đồng).
Cung chưa đủ cầu
Với sự bùng nổ xu hướng ưa chuộng ẩm thực xứ Mặt trời mọc những năm gần đây, rượu nho Nhật cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Nhiều thương hiệu rượu vang Nhật đang trở nên nổi tiếng và được yêu thích tại nhiều nước trên thế giới.
Dù vậy, các vùng trồng nho của Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi lượng cung vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Không chỉ thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhiều xưởng sản xuất rượu nho cũng gặp nhiều khó khăn khi số lượng lao động tại các vườn trồng nho ngày càng giảm. Bên cạnh đó, quy trình kiểm soát và bảo đảm chất lượng nho dùng để làm rượu cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và công sức.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, ông Nakada Shindo cho rằng, việc gia tăng sản lượng giống nho đặc sản là điều đặc biệt quan trọng đối với ngành sản xuất rượu địa phương. Để tối ưu hóa lợi nhuận, các nhà máy rượu vang cũng cần chủ động hơn trong các quy trình, kể cả việc trồng nho phục vụ sản xuất rượu vang.
Điểm danh những thiên đường mua sắm bậc nhất tại châu Á Nếu là một tín đồ mua sắm chính hiệu thì những “thiên đường mua sắm” chắc chắn bạn phải đến ít nhất một lần trong ... |
Để cá ngừ Việt Nam có thêm nhiều cơ hội sang Nhật Bản Xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam đã tìm được đường tới Nhật Bản từ năm 2014. Tuy nhiên, chất lượng cá vẫn ... |
Du lịch Nhật Bản ở... Hà Nội Diễn ra từ ngày 10-13/8 tại Khách sạn Deawoo (Hà Nội), chương trình giao lưu văn hóa mang tên “Những ngày Văn hóa Fukuoka – ... |