📞

Du lịch Quảng Ninh nỗ lực 'hồi sinh' sau kỳ ‘ngủ đông’ Covid-19

Gia Thành 09:30 | 10/06/2020
TGVN. Ngành du lịch, dịch vụ Quảng Ninh đang hoạch định những chiến lược mới, tạo động lực phát triển và khôi phục sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam.    
Các đơn vị kinh doanh tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long tham gia chương trình kích cầu du lịch của tỉnh với mức giảm là 30% giá tàu. (Nguồn: BQN)

Tạo đòn bẩy vững chắc

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đặc biệt, hai ngành công nghiệp không khói là du lịch và dịch vụ trên địa bàn đã suy giảm sâu ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Ngành du lịch và dịch vụ là một trong những động lực tăng trưởng chính của tỉnh, chiếm tỷ trọng tới 45,9% trong cơ cấu kinh tế năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số khách du lịch 4 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 1,5 triệu lượt khách (giảm 77% so với cùng kỳ); doanh thu du lịch đạt 2.766 tỷ đồng (giảm 77% so cùng kỳ). Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, một lượng lớn lao động bị cắt giảm, mất việc làm, giảm thu nhập.

Tại kỳ họp thứ 17 khóa XII, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND về việc triển khai một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch năm 2020 gồm: miễn giảm 100% phí vào các điểm tham quan: Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh (TP. Hạ Long), Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí) vào các thời điểm từ ngày 14/5 đến 1/6 và một số ngày lễ lớn đến hết năm 2020. Đồng thời, giảm 50% phí tham quan 3 điểm du lịch trên trong các ngày còn lại của tháng 6 và 7.

Song song với đó, Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Hạ Long đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại. Đồng thời hỗ trợ 100% chi phí hoạt động khai thác vận tải công cộng bằng xe buýt kể trên với mức hỗ trợ tối đa không quá 1,3 triệu đồng/chuyến.

Nghị quyết trên là một giải pháp linh hoạt, kịp thời, nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, nhất là đối với ngành kinh tế du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh trong bối cảnh “bình thường mới”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Gói kích cầu du lịch của Quảng Ninh dự kiến trị giá khoảng 200 tỷ đồng, sẽ tác động tích cực, sâu rộng và trực tiếp đến hầu hết các đối tượng trong chuỗi giá trị dịch vụ từ du khách đến người dân làm nghề dịch vụ, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh. Gói kích cầu cũng có tác động tích cực trong việc thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh, với ước tính 3 tháng tới sẽ đạt 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Khu nghỉ dưỡng suối khoáng cao cấp Quang Hanh được đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ là nơi trải nghiệm hấp dẫn đối với nhân dân và du khách. (Nguồn: BQN)

Chờ sự "hồi sinh"

Nhờ các giải pháp kích cầu kịp thời, ngay sau khi tái khởi động hoạt động du lịch, trong tháng 5, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh đã đạt 346.000 lượt, lũy kế 5 tháng đạt trên 1,84 triệu lượt, doanh thu từ khách du lịch lũy kế 5 tháng đạt trên 3.422 tỷ đồng.

Trong đó, gần 10.000 lượt người tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử; khoảng 111.200 lượt người đến tham quan vịnh Hạ Long. Tuy lượng khách và doanh thu giảm khá nhiều so với trước đây nhưng với những gói kích cầu của tỉnh, ngành du lịch sẽ tiếp tục tạo được sự tăng trưởng khá trong thời gian tới.

Không chỉ dừng lại ở các gói kích cầu, Tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn khác như chương trình chào hè Hạ Long - Quảng Ninh 2020; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020; đưa vào hoạt động tàu cánh buồm Hoàng Gia lướt Vịnh Bái Tử Long và tàu cao tốc 5 sao Tuần Châu Express ra đảo Cô Tô; khai trương khu nghỉ dưỡng suối khoáng cao cấp Yoko Onsen Quang Hanh…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cũng giới thiệu các gói sản phẩm khuyến mãi, các tour ngắn ngày phù hợp với nhu cầu của du khách như:“Thức dậy giữa kỳ quan”, “Hành trình về miền non thiêng”, “Trải nghiệm tắm khoáng mặn”, “Hạ Long bên bờ di sản”, qua các địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh như vịnh Hạ Long, chùa Ba Vàng, chùa Yên Tử.

Đáng chú ý, sức vươn của ngành du lịch còn có động lực “cất cánh” từ hệ thống giao thông hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn…

Cùng với đó là hàng loạt sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như: Tuyến đường công viên ven bờ Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long rộng 6 làn xe; Khu nghỉ dưỡng nước nóng Yoko Osen bên bờ vịnh Bái Tử Long, với hạ tầng dịch vụ đẳng cấp quốc tế, góp phần phát triển du lịch 4 mùa ở miền Bắc; Sonasea Vân Đồn Harbor City - tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế...

Đặc biệt, ngay cả khi Tỉnh đang nỗ lực "hồi sinh" ngành du lịch hậu Covid-19 với những chính sách kích cầu mạnh mẽ kể trên thì tiêu chí nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch vẫn được Quảng Ninh đặc biệt chú trọng. Với mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, Tỉnh luôn coi việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Chất lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng trong đó có phần nhiều là ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc cam kết về giá và về dịch vụ du lịch.

Có thể thấy rõ, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động quảng bá xúc tiến, kích cầu du lịch, qua đó, từng bước làm “ấm lại” thị trường; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo động lực khởi sắc nền kinh tế sau kỷ “nghỉ đông” Covid-19.

Để có được kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và quyết tâm của chính quyền và doanh nghiệp. Sau Covid-19, Quảng Ninh đang chứng minh rằng, Tỉnh không chỉ là điểm đến "an toàn, thân thiện, hấp dẫn" mà còn là một trong những mũi nhọn chủ lực của du lịch phía Bắc, "là phên giậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi; là động lực đóng góp cho hưng thịnh quốc gia" như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.