Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đẳng cấp, thu hút đông du khách đến trải nghiệm. (Ảnh: Hùng Sơn) |
Phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp
Chỉ 5 năm trở lại đây, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của tỉnh, nhiều tập đoàn lớn đã đến Quảng Ninh phát triển các dự án quy mô lớn. Trong đó có sự góp mặt của các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch, như: Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu... Đến nay, nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp đã trở thành lựa chọn hấp dẫn, thu hút du khách, từ đó tạo bước đột phá, thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch địa phương trong giai đoạn này, có thể kể đến như: Công viên SunWorld Hạ Long Complex (TP Hạ Long); Khu tắm khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả); Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (TP Uông Bí)...
Bên cạnh đó, cùng với các hoạt động vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hoá, nhiều du khách cũng lựa chọn các dịch vụ tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long. Đây là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, đẳng cấp, được nhiều đơn vị quan tâm đầu tư.
Hiện, Quảng Ninh sở hữu 187 tàu lưu trú nghỉ đêm với gần 2.200 phòng, chiếm 37,4% số lượng tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Các tàu này đều đạt hạng từ 1 đến 5 sao, trong đó có khoảng 30% là tàu vỏ thép. Mặc dù phong cách khác nhau, nhưng phần lớn cơ sở vật chất đều được các đơn vị đầu tư chu đáo với nội thất sang trọng, tiện lợi.
Các tàu du lịch cũng chú trọng đầu tư vào khu vực boong tàu, hành lang, ban công và bể bơi, nhằm tạo không gian thư giãn, phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, tắm nắng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp Vịnh Hạ Long của du khách.
Ngoài ra, các tàu cũng xây dựng lịch trình đa dạng, phong phú, tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách, như: Khám phá cuộc sống ngư dân các làng chài; ngắm mặt trời lặn; chèo thuyền kayak, tập dưỡng sinh, nấu ăn, spa, xoa bóp, trị liệu...
Sự thuận lợi về hạ tầng giao thông và các sản phẩm du lịch đa dạng, đẳng cấp, đã tạo động lực cho ngành du lịch tăng trưởng trở lại với những con số thống kê ấn tượng. Nếu trong tháng 5, Quảng Ninh chỉ đón trên 1,2 triệu lượt khách thì đến tháng 6, lượng khách đã tăng gần 4 lần, lên 4,1 triệu lượt. Hay trong tháng 7, lượng du khách tăng đột biến, nhất là vào các dịp cuối tuần, cao điểm là 160.000 lượt, tăng 23% so với cuối tuần trước đó. Đến nay, Quảng Ninh có 2.036 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1.542 cơ sở với 27.959 phòng được xếp hạng; 11 bãi tắm và 50 cơ sở kinh doanh được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Những con số trên đã minh chứng cho sức bật của ngành du lịch và là cơ sở để Quảng Ninh hiện thực hóa các mục tiêu vào năm 2030. Theo Quyết định số 1418/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh ban hành ngày 4/7/2014 đã đưa ra mục tiêu: Đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, với tổng số khách du lịch đạt 23 triệu lượt, trong đó có 10 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 130.000 tỷ đồng. Xây dựng cụm điểm du lịch mới lạ và sang trọng tại huyện Vân Đồn, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, hướng tới các khách du lịch hạng sang từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu, Bắc Mỹ.
Để đạt được những mục tiêu đó, xây dựng sản phẩm du lịch đẳng cấp, xứng tầm chính là yếu tố cốt lõi. Theo Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung kêu gọi các nhà đầu tư uy tín phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, hướng đến dòng nghỉ dưỡng cho phân khúc khách hạng sang.
Đồng thời, tăng nguồn cung khách sạn cao cấp và tìm kiếm mối quan hệ đối tác với những khách sạn có thương hiệu quốc tế; nâng cao chất lượng và tính thống nhất của cơ sở lưu trú trong việc hoàn thiện hệ thống xếp hạng sao khách sạn. Cùng với đó, hướng đến phát triển các khu du lịch sinh thái, chất lượng cao trên các đảo thuộc huyện Vân Đồn, casino quốc tế, tổ hợp vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm và sân golf.
"3 trước” rõ nét hơn, “4 tại chỗ” cụ thể hơn
Dù tích cực phát triển các sản phẩm du lịch đẳng cấp nhưng Quảng Ninh vẫn theo dõi sát sao việc phòng, chống dịch Covid-19.
Tại buổi họp phiên thường kỳ tháng 7, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trong những ngày qua diễn biến phức tạp, khó khăn do không xác định được F0. Trước tình hình đó, Quảng Ninh phải xác định giữ bằng được địa bàn an toàn, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân bằng việc thực hiện phương châm “3 trước” rõ nét hơn, “4 tại chỗ” cụ thể hơn, cán bộ các cấp trăn trở nhiều hơn.
"Địa phương nào để nảy sinh mầm bệnh do thiếu kiểm soát, lơ là, chủ quan thì Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Nếu để xảy ra nhập cảnh trái phép thì Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Biên phòng, người đứng đầu các đồn, trại phải chịu trách nhiệm hàng đầu", ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Về du lịch, để đảm bảo phục vụ tốt nhất, an toàn nhất cho người dân, du khách, các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn đã tập trung chuẩn bị các điều kiện phục vụ. Tại các cảng, nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho du khách đã được bố trí tại tất cả các vị trí ra vào cảng. Nhiều biện pháp đảm bảo giãn cách du khách đã được triển khai. Song song với đó, lực lượng chức năng đã sẵn sàng nhân lực đảm bảo các hoạt động đón khách diễn ra bình thường trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch được các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh đặt lên hàng đầu. Các biện pháp phòng, chống dịch an toàn trước khi mở cửa đón du khách trở lại đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo đúng chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của Tổng cục Du lịch.
Trong quý I/2020, dù là một trong các ngành bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 nhưng du lịch Quảng Ninh đang chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp để phục hồi, phát triển ngay sau giai đoạn khó khăn. Do đó, ở thời điểm hiện tại, với sự chủ động, linh hoạt ứng phó thử thách, chiến lược phù hợp, Quảng Ninh sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến an toàn cho du khách.