Du khách lặn ngắm san hô Cù Lao Chàm. (Nguồn: NLĐ) |
Với việc nhiều nước mở cửa lại giao thông nội địa và các quốc gia mở cửa với khách du lịch quốc tế, nhiều đại lý khai thác tour du lịch hy vọng nhanh chóng trở lại hoạt động kinh doanh như thời kỳ trước khi Covid-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với cú sốc đại dịch, thay vì tìm mọi cách để đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường như trước kia, ngành du lịch nên có các giải pháp phát triển bền vững hơn.
Các hoạt động du lịch cần chú trọng hơn nữa đến những đóng góp đối với cộng đồng, môi trường cũng như sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Bài học trước đại dịch
Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã từng đau đầu giải bài toán phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhiều nước đã mạnh dạn đóng cửa hoàn toàn các địa điểm du lịch nổi tiếng nhằm cứu vãn môi trường cảnh quan trước những tác động tiêu cực do lượng du khách tham quan quá lớn.
Ví dụ như Vịnh Maya của Thái Lan, từng xuất hiện trong bộ phim The Beach có sự tham gia của diễn viên Leonardo DiCaprio, đã ngừng đón khách vào năm 2018 do hàng nghìn người đến tham quan mỗi ngày đã gây quá tải cho hệ sinh thái của vịnh và môi trường xung quanh.
Trong khi đó, cư dân gần các danh thắng nổi tiếng ở thành phố Venice và Barcelona từng nhiều lần phản đối về tác động bất lợi của du lịch đối với cuộc sống của họ.
Đại dịch ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của cư dân các thành phố trên nhưng ở một phương diện khác, họ lại được sống trong trạng thái bình thường khi không có hàng ngàn khách du lịch tham quan mỗi ngày.
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 là đòn bẩy để nhiều địa phương tính đến các giải pháp du lịch bền vững, giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải, khí thải hay những mặt trái do du khách quá đông.
Theo Báo cáo Du lịch Bền vững năm 2021 của hãng Booking.com, có đến 97% du khách Việt Nam được khảo sát cho rằng du lịch bền vững là cực kì quan trọng, và 88% nhìn nhận đại dịch là chất xúc tác khiến họ theo đuổi lối du lịch bền vững hơn trong tương lai.
Có 100% du khách Việt được khảo sát cho biết trong năm tới, họ mong muốn lưu trú tại các cơ sở cam kết du lịch bền vững.
Du khách - một phần của giải pháp giảm thải carbon
Fiji sẽ mở cửa biên giới đón các chuyến bay du lịch quốc tế trở lại từ ngày 1/12.
Giám đốc điều hành của Tourism Fiji, ông Brent Hill, cho biết, cho đến nay, lượng đặt phòng đã vượt quá kỳ vọng.
Trước đại dịch, du lịch chiếm khoảng 40% GDP của Fiji. Khoảng 150.000 người đã làm việc trực tiếp cho ngành du lịch của đất nước.
Nhiều khu nghỉ dưỡng của Fiji đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon. (Nguồn: ABC News) |
Ông Brent Hill cho biết, phần lớn nhân lực ngành du lịch đã phải trở lại làng quê và chính phủ cũng không đủ tiềm lực để hỗ trợ nhiều cho họ.
Trong khi đó, mối quan tâm cấp bách đối với quốc đảo này là sự phát triển bền vững.
Tổng chưởng lý của Fiji Aiyaz Sayed-Khaiyum mô tả biến đổi khí hậu là một "mối đe dọa hiện hữu", với 70% dân số của đất nước sống trong vòng 5 km tính từ bờ biển.
Nhiều khu nghỉ dưỡng của Fiji đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon. Điều đáng chú ý là ngành du lịch Fiji, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch, vẫn tìm cách để tạo điều kiện cho du khách tham gia thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nhiều địa phương ở Fiji đang thực hiện các chương trình nuôi trồng san hô và bảo tồn sinh vật biển. Khách du lịch đến Fiji có thể tham gia các hoạt động đó.
Tương tự, ở Australia, du khách được tạo điều kiện tham gia bảo vệ san hô ở các khu bảo tồn san hô nổi tiếng, góp phần giảm lượng khí thải carbon.
Trước đại dịch, hàng không thương mại phát thải 918 triệu tấn CO2 mỗi năm - hơn 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Trong đó, vận tải hành khách đường không chiếm 85%.
Tiến sĩ Whittlesea, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Du lịch thuộc Đại học Griffith, cho rằng: “Giao thông vận tải góp phần tạo ra lượng khí thải lớn nhất trong ngành du lịch”.
Tuy nhiên, ngành hàng không đang nỗ lực để thay đổi điều đó với việc đầu tư cho nghiên cứu nhiên liệu hàng không bền vững và phát triển máy bay chạy bằng điện và hydro.
Khuyến khích phát triển du lịch xanh
Đại dịch sẽ dần được kiểm soát, ngành du lịch sẽ vươn mình trở lại.
Các chuyên gia cho rằng, để “chữa lành vết thương” Covid-19, ngoài việc cố gắng đưa du lịch phục hồi như trước đại dịch, hãy nghĩ đến những cách làm du lịch bền vững hơn, nhân bản hơn.
Thay vì du khách thường được mặc định như nhân tố góp phần gia tăng phát thải, hãy tạo điều kiện cho họ có cơ hội là một phần của các giải pháp đưa đến sự chuyển đổi theo hướng bền vững cho ngành du lịch.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Mô hình phát triển du lịch xanh sẽ là một xu thế du lịch tất yếu trong tương lai. Với nhận thức cần phải đón đầu xu thế du lịch này, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã có những bước chuyển mình, đầu tư phát triển mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng dân cư và bước đầu đã được cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế ghi nhận, trao những giải thưởng uy tín".
Theo Tiến sĩ Emma Whittlesea, du lịch có thể được xem là một lực lượng đi đầu trong quá trình phục hồi hậu đại dịch. "Đó là sự thay đổi từ tăng trưởng và lợi nhuận bằng mọi giá, sang một lối suy nghĩ tính đến sự phát triển bền vững, tái tạo hơn", bà đưa ra nhận định trên trang ABC News.
Như lời ông Nguyễn Thanh Hồng thì thay vì "du lịch khai thác", sau đại dịch Covid-19, nhu cầu thế giới cho phép ngành du lịch điều tiết lại, hướng xây dựng tái tạo tự nhiên là quan trọng nhất.
Tỉnh Kiên Giang cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất thời điểm bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là cuối tháng 11/2021. Sau khi thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc, ngành du lịch sẽ đánh giá hiệu quả, điều chỉnh mô hình thí điểm cho phù hợp yêu cầu thực tiễn, từ đó sẽ mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) và tiến tới mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế nếu điều kiện cho phép. |