Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ra mắt nội các mới. (Nguồn: AP) |
Mỹ trông đợi, Trung Quốc bày tỏ hài lòng
Theo báo Sankei, chính quyền Mỹ hoan nghênh việc chính quyền của tân Thủ tướng Suga Yoshihide cam kết tiếp tục các chính sách đối ngoại dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo, trong đó xác định quan hệ đồng minh với Mỹ là trụ cột.
Mỹ trông đợi quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được duy trì một cách tốt đẹp như hiện nay. Tuy nhiên, dư luận Mỹ cũng quan tâm theo dõi các động thái của Tokyo trong chính sách với Trung Quốc, quốc gia mà theo Mỹ, đang đe dọa trật tự thế giới hiện hành.
Vào tháng 5/2019, ông Suga khi đó vẫn còn là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã đi thăm Mỹ và hội đàm với Phó Tổng thống Mike Pence. Tuy nhiên, khác với cựu Thủ tướng Abe từng có thời gian du học tại Mỹ, Thủ tướng Suga là chính trị gia ít có mối liên hệ với nước Mỹ.
Giới chức Mỹ từng đánh giá rất cao cựu Thủ tướng Abe trong việc xây dựng quan hệ thân thiết với Tổng thống Donald Trump và đưa ra tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở để cùng với Mỹ định hình chiến lược tại châu Á.
Do vậy, sự kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Trump vào Thủ tướng Suga cũng rất cao. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David R. Stilwell ngày 15/9 cũng cho rằng Thủ tướng Suga là “sự lựa chọn tốt” đối với Nhật Bản và bày tỏ mong muốn được hợp tác với chính quyền Suga.
Dư luận Mỹ hoan nghênh việc Thủ tướng Suga cho biết sẽ thảo luận các vấn đề gây quan ngại trong chính sách an ninh, đối ngoại với cựu Thủ tướng Abe vì điều này đảm bảo quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, nhưng cũng lo ngại rằng nếu tân Thủ tướng quá “phụ thuộc” vào người tiền nhiệm thì ông sẽ không thể phát huy được bản sắc riêng của mình.
Điều mà Washington lo lắng hơn cả là Thủ tướng Suga sẽ thực thi chính sách ôn hòa hơn với Trung Quốc khi ông bác bỏ ý tưởng thành lập khối NATO tại châu Á vì “sẽ tạo ra vòng vây đối với Trung Quốc”.
Trong khi đó, giới học giả Mỹ lo ngại rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo là “người mới chưa có nhiều kinh nghiệm”, nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong các chính sách đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thậm chí, Viện nghiên cứu Rand không cho rằng chính quyền Thủ tướng Suga sẽ đưa ra những quyết định quan trọng và nhạy cảm.
Tại Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cũng lên tiếng hoan nghênh cam kết xây dựng quan hệ ổn định với các nước láng giềng của Thủ tướng Suga, đồng thời kêu gọi hai nước xây dựng mối quan hệ cùng phát triển.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng tải bình luận của Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang đánh giá chính sách với Trung Quốc của Thủ tướng Suga sẽ là tiếp tục “tính hai mặt” của chính quyền cựu Thủ tướng Abe, đó là vừa củng cố quan hệ với đồng minh Mỹ vừa ổn định quan hệ Nhật-Trung.
Hàn Quốc có phần lo lắng, Nga đón nhận tin vui
Nước láng giềng Hàn Quốc cũng đón nhận thông tin về chính quyền mới tại Nhật Bản với những kỳ vọng và sự bất an đan xen. Quan hệ Nhật-Hàn hiện đang ở trạng thái căng thẳng nhất trong nhiều năm qua với những tranh cãi liên quan đến vấn đề lịch sử.
Báo giới Hàn Quốc đổ lỗi một phần cho tình trạng này là do cựu Thủ tướng Abe, do vậy chờ đợi sự thay đổi ban lãnh đạo tại Nhật Bản sẽ giúp cải thiện quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại rằng việc tân Thủ tướng Suga là người giúp sức trong hoạch định chính sách với Hàn Quốc trong nhiều năm dưới thời cựu Thủ tướng Abe, đồng thời cam kết tiếp nối các chính sách đối ngoại của ônh Abe, nên việc cải thiện quan hệ hai nước chỉ dừng lại ở mức triển vọng.
Là nước có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, chính quyền Nga cũng nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh chính quyền mới tại Nhật Bản và hy vọng hai nước sẽ tiếp tục phát triển.
Nga đánh giá cao các nỗ lực đối thoại của cựu Thủ tướng Abe trong các vấn đề song phương và sự phối hợp trong giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Với Moscow, Nhật Bản, với tư cách là thành viên của Nhóm G7 là đối tác quan trọng có thể giúp Nga tránh bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế.
Dù quan hệ Nga với Mỹ và phương Tây xấu đi rõ rệt sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng Nhật Bản không những vẫn duy trì quan hệ tốt với nước Nga, mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật với Nga.
Do vậy, việc Thủ tướng Suga cam kết tiếp nối chính sách đối ngoại của chính quyền Abe là một tin vui đối với Nga.
Tuy nhiên, dư luận Nga cho rằng, khác với cựu Thủ tướng Abe, mối quan hệ giữa tân Thủ tướng Suga với Tổng thống Putin còn là “ẩn số” nên sẽ ảnh hưởng tới quá trình đàm phán về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Giới chuyên gia Nga dự báo về cơ bản quan hệ Nga-Nhật sẽ không có nhiều thay đổi, tuy nhiên sẽ không có tiến triển gì trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Việc Nhật Bản có chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Suga cũng là một tin vui đối với Đài Loan (Trung Quốc). Cơ quan đối ngoại của Đài Loan ra tuyên bố đánh giá Thủ tướng Suga là đối tác quan trọng và là người bạn thân tình của Đài Loan. Trong thời gian làm Chánh văn phòng Nội các, ông Suga đã từng ủng hộ Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Do vậy, chính quyền Đài Loan hy vọng quan hệ hai bên sẽ tiếp tục được duy trì và làm sâu sắc trong nhiều lĩnh vực hợp tác để mang đến sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.
| Kế nhiệm ông Abe, tân Thủ tướng Nhật sẽ chèo lái đất nước theo con đường nào? TGVN. Xuất thân từ gia đình nông dân, nhưng với ý chí và nghị lực kiên cường, ông Yoshihide Suga đã vươn lên đỉnh cao ... |
| Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo: Chính trị gia xuất chúng TGVN. Việc Thủ tướng Abe Shinzo bất ngờ từ chức không chỉ khiến người dân Nhật Bản tiếc nuối mà còn tạo nên khoảng trống ... |
| Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Di sản và ước vọng TGVN. Ông Shinzo Abe có thể sớm rời khỏi vị trí Thủ tướng, nhưng những di sản và ước vọng ông để lại cho người ... |