Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại cuộc họp báo, 6 tháng đầu năm 2016, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa thêm thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa lên 4.527/4.723 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề (đạt 95,85%).
Bộ Tư pháp cũng đã tham gia ý kiến với 322 thủ tục hành chính, đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý. Bộ Tư pháp đã thẩm định 606 thủ tục hành chính và đề nghị không quy định 53 thủ tục, sửa đổi 149 thủ tục. Riêng quý II/2016, Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 190 thủ tục hành chính và đề nghị không quy định 31 thủ tục, sửa đổi 110 thủ tục hành chính không hợp lý.
Về công tác xây dựng văn bản, Thứ trưởng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 70/169 văn bản.
Ông Trần Tiến Dũng trả lời báo giới. (Nguồn: SGGP) |
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cũng đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.443 văn bản, qua đó, phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (22 văn bản của Bộ, 36 văn bản địa phương). Bộ đã thông báo kiểm tra đối với 54 văn bản, 4 văn bản được cơ quan ban hành văn bản tiếp thu, tự xử lý. Đến nay, 9 văn bản đã được xử lý, 16 văn bản đã có hướng xử lý và 33 văn bản đang xử lý.
Trong lĩnh vực hộ tịch, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân từ ngày 4/1/2016 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đến ngày 5/7/2016, hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 149.831 và cấp số định danh cá nhân cho 130.487 trường hợp đăng ký khai sinh mới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 2.708 hồ sơ quốc tịch, trả lời 1.940 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan.
Cũng tại cuộc họp, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi về phần trách nhiệm của Bộ Tư pháp khi được giao là cơ quan soạn thảo Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội thống nhất lùi thời hạn thi hành để sửa đổi, bổ sung. Ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm trong việc này.Ông cho biết, tới đây, Bộ tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiến hành sửa đổi bộ luật này.
Trả lời câu hỏi về hướng xử lý hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hành nghề "chui" ở Đà Nẵng, ông Lê Thanh Bình - Cục phó Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật khẳng định, tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động không phép xảy ra ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang… là vi phạm Luật Du lịch đang có hiệu lực. Các hành vi này cũng hoàn toàn có thể bị xử lý hành chính theo các quy định đã có.