TIN LIÊN QUAN | |
Ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Việt Nam đầu tiên ở Australia | |
Tọa đàm “Trí thức trẻ người Việt tại Thụy Sỹ với đất nước” |
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tài học chuyên ngành hệ thống thông tin, đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Gembloux (Vương quốc Bỉ). Anh hiện là kiến trúc sư phần mềm của công ty NRB tại Bỉ. Trước khi đầu quân cho NRB, anh đã từng cùng công ty Clear2Pay-FIS xây dựng giải pháp giải quyết các tranh chấp trong các giao dịch điện tử của ngân hàng - giải pháp được sử dụng rộng rãi tại các ngân hàng lớn trên thế giới hiện nay. |
Trò chuyện với anh kiến trúc sư phần mềm đang sinh sống tại Bỉ, càng hiểu thêm tấm lòng của những người con Việt Nam dù xa nhưng luôn mong muốn quê hương mình ngày một thịnh vượng và hiện đại hơn...
Cơ duyên nào đưa anh tới nước Bỉ?
Tiếng Pháp chính là cầu nối cho tất cả mọi việc. Tôi là sinh viên tin học khóa 97 khối tiếng Pháp AUPELF-UREF của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sau đó học cao học tin học bằng tiếng Pháp ở Viện Tin học Pháp ngữ IFI tại Hà Nội.
Tôi đã chọn Đại học Công giáo Louvain-la-Neuve UCL, Vương quốc Bỉ là nơi thực tập tốt nghiệp thạc sĩ và được cấp học bổng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường. Sau khi bảo vệ đề tài tiến sĩ năm 2008, tôi đã ở lại Bỉ làm việc cho đến nay.
Vậy còn Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE)?
Chia sẻ với bạn một tin vui là tôi vừa mới được kết nạp làm thành viên chính thức của AVSE từ tháng 4 năm nay. Tôi đã biết đến AVSE và hoàn toàn bị thu hút bởi bởi tinh thần cống hiến, trách nhiệm, chuyên môn cao cũng như khả năng tập hợp cộng đồng. Từ khi tham gia hoạt động cùng AVSE, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các thành viên, các cộng tác viên trẻ và các bậc tiền bối ở đây.
Được biết, anh đang cùng nhóm chuyên gia của AVSE thực hiện dự án Hệ sinh thái dữ liệu mở Open Data tại TP. Hồ Chí Minh. Nếu dự án thành công sẽ mang lại điều gì mới mẻ cho thành phố?
Với mục tiêu “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh quá trình triển khai các giải pháp công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa quy trình quản lý hành chính. Thông qua việc tiến hành xây dựng khung phát triển chính phủ điện tử cùng việc thí điểm các giải pháp đô thị thông minh, giao thông thông minh, thành phố mong muốn cải thiện cuộc sống hiện tại của người dân và doanh nghiệp cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng số hóa để chuẩn bị cho phát triển lâu dài. Trong bối cảnh đó, Hệ sinh thái dữ liệu mở Open Data sẽ là nền tảng cốt lõi hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống quản lý hành chính trong kỷ nguyên số hóa.
Hệ sinh thái dữ liệu mở mang lại rất nhiều lợi ích. Việc hệ thống hóa, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu công và bán công sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính sách và quản lý hành chính công, cũng như sự hợp tác giữa các tổ chức nhà nước. Thêm vào đó, việc công bố các dữ liệu công theo lộ trình nhất định sẽ làm tăng niềm tin của người dân thành phố vào bộ máy hành chính, qua đó nâng cao việc huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội.
Ngoài ra, quá trình hệ thống hóa dữ liệu công còn tạo nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số, vốn sử dụng nhiều dữ liệu, để tạo ra các dịch vụ có ích cho người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có theo dõi các chỉ số về thị trường lao động (đào tạo, ngành nghề, mức lương...) để đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tài (hàng sau, thứ 2 từ trái qua) và đồng nghiệp AVSE chụp ảnh cùng Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam. |
Từng tham gia thiết kế, phát triển và triển khai Hệ thống đấu thầu công cho Cộng đồng chung châu Âu, anh có thể chia sẻ ứng dụng cho Việt Nam?
Với kinh nghiệm sau thời gian làm việc với Hệ thống đấu thầu công của Cộng đồng chung châu Âu, tôi thấy hệ thống này hoàn toàn có thể tùy biến và áp dụng cho Việt Nam, từ cấp địa phương tới trung ương. Hệ thống này sẽ minh bạch mọi khâu tổ chức thực hiện, từ lập hồ sơ mời thầu, nộp, mở các hồ sơ thầu, đánh giá và quyết định chọn thầu. Đặc biệt, Hệ thống sẽ góp phần tiết kiệm công sức, tiền bạc, giảm bớt các thủ tục hành chính và loại bỏ các hình thức lạm quyền, tham nhũng trong công tác đấu thầu.
Phát huy sức mạnh trí thức kiều bào vẫn là nỗi trăn trở ở trong nước. Là tiến sĩ trẻ tâm huyết với quê hương, anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi không gọi là kiều bào mà gọi là người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi luôn tin là người Việt Nam đi đâu, làm gì thì cũng luôn là người Việt Nam. Đúng là sau nhiều thế hệ sinh sống và làm việc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm năng rất lớn về chất xám từ lực lượng trí thức. Tuy nhiên, tình hình phát triển thực tế của Việt Nam không cho phép ta tập hợp và mời tất cả chuyên gia, trí thức này về Việt Nam sinh sống, làm việc.
Có những lĩnh vực chuyên môn mà Việt Nam hoàn toàn không thể đáp ứng yêu cầu của chuyên gia như hạ tầng cơ sở, phòng thí nghiệm. Những chuyên gia này, dù rất quý và trân trọng, chúng ta đành phải “để dành”, sẽ mời về khi điều kiện cho phép. Ngược lại, có những lĩnh vực chuyên gia người Việt ở nước ngoài hoàn toàn có khả năng đóng góp ngay thì lại bị vướng các vấn đề về cơ chế nên họ cũng không thể về.
Anh có gợi ý nào thu hút hơn nguồn lực trí thức này vào phát triển đất nước?
Mặc dù làm việc trực tiếp vẫn là tốt nhất, nhưng vì điều kiện không cho phép nên trước mắt cần có các kênh trao đổi thông tin online. Với kênh này, các chuyên gia người Việt Nam dù đang ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp ý kiến chuyên môn phản biện, xây dựng các đề tài, dự án có ích cho đất nước phát triển. Và Hệ sinh thái dữ liệu mở Open Data cũng chính là một trong các kênh như vậy.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng nhiều hơn các trung tâm đầu mối liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại từng nước hoặc từng khu vực. Những trung tâm này sẽ là nơi tập hợp cộng đồng tri thức, nắm bắt xu hướng phát triển và thế mạnh của từng nước và khu vực để có thể đóng góp xây dựng đất nước. AVSE đã và đang là một đầu mối như vậy tại châu Âu.
Xin cảm ơn anh!
Triển lãm ảnh đất nước, con người Việt Nam tại Ukraine Ngày 19/4, Học viện Ngữ văn thuộc trường đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev đã tổ chức lễ khai mạc triển lãm ảnh với ... |
Người thức tỉnh các bà mẹ bỉm sữa Không phải người ngành y nhưng chị Lê Nhất Phương Hồng (đang sinh sống tại Australia) lại được biết đến như một chuyên gia tư ... |