📞

Đưa cây sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và thế giới

Minh Nhật 06:26 | 02/08/2023
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo nằm trong nhóm cao nhất cả nước, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đặt mục tiêu đưa sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và cả thế giới, giúp địa phương này trở thành “thủ phủ Sâm Ngọc Linh", trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia.
Nghi thức rước sâm Ngọc Linh tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Nam Trà My. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lễ khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã diễn ra vào tối 1/8 với sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My qua các thời kỳ, cùng đông đảo nhân dân huyện. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường phát biểu khai mạc sự kiện.

Ông Phan Việt Cường cho biết, cây sâm Ngọc Linh bao đời nay đã hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh, Nam Trà My, Quảng Nam. Đây cũng là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được, là sản phẩm của quốc gia, là "vàng xanh" của đất nước.

Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, phát biểu tại Lễ hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.

Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá về cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác và tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện đến đông đảo nhân dân, du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Phan Việt cường khẳng định, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V là sự kiện quan trọng để truyền tải các thông điệp của sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và trên thế giới, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.

Cùng với Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V, dịp này, huyện Nam Trà My đồng thời tổ chức các sự kiện kỷ niệm 20 năm tái lập huyện. Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã nỗ lực, phấn đấu đạt được trong suốt chặng đường qua.

Theo ông, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và thành quả được trưng bày, quảng bá hôm nay, một lần nữa khẳng định Nam Trà My đã và đang rất thành công trong quá trình thực hiện định hướng chiến lược, chủ trương phát triển bền vững và tạo thương hiệu cho cây sâm Ngọc Linh.

Bước sang thời kỳ mới, Bí thư Tỉnh Quảng Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nam Trà My cần phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả đã đạt được trong suốt chặng đường 20 năm qua; tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Ông Phan Việt Cường yêu cầu huyện Nam Trà My cần tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện có, kết hợp lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cùng với đó, tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; tuyên truyền, hướng dẫn, thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác hiệu quả việc trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu dưới tán rừng; quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My thật sự trở thành “thủ phủ Sâm Ngọc Linh”, trung tâm giống dược liệu quý hiếm của quốc gia.

Tại buổi Lễ, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Nam Trà My bức trướng với nội dung: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My đoàn kết - vượt khó - phát triển”.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sau phần lễ, đông đảo người dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật độc đáo, mang đậm âm hưởng, sắc màu các dân tộc trên địa bàn Nam Trà My và các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.

Trong khuôn khổ khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ V và Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My, đại biểu khách mời và công chúng được tham dự các tiết mục đặc sắc như: Rước biểu tượng sâm Ngọc Linh với gần 30 người tham gia và Lễ cúng Thần sâm Ngọc Linh do các già làng thực hiện; chương trình nghệ thuật “Ngọc Linh - Khát vọng vươn xa” với những ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước.

Nam Trà My là 1 trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía Tây - Nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực Tây Nguyên, được mệnh danh là "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.

Trong thời gian qua, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.

Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000ha tại 7/10 xã của huyện; có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420-600 tỷ đồng/năm.