Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Kairat Torebayev phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TĐ) |
Ngày 16/3, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Kazakhstan trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của phái đoàn thương mại-kinh tế, các nhà sản xuất Kazakhstan tại Việt Nam (15-17/3).
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Kairat Torebayev, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương Tạ Hoàng Linh, Đại sứ Kazakhstan tại Hà Nội Yerlan Baizhanov, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cùng đông đảo các doanh nghiệp Kazakhstan và Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một đoàn doanh nghiệp Kazakhstan sang tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Kairat Torebaev nhấn mạnh, hai nước hiện nay có thể bổ trợ cho nhau ở nhiều khía cạnh để cùng phát triển kinh tế. Việt Nam có năng lực sản xuất tốt với nhiều sản phẩm thế mạnh về nông nghiệp như phân bón.
Theo Thứ trưởng Kazakhstan, Việt Nam là thị trường phát triển năng động hàng đầu khu vực Đông Nam Á, do vậy, Kazakhstan đặc biệt quan tâm tới thị trường này. Trong bối cảnh doanh nghiệp hai nước chưa có nhiều hiểu biết về thị trường của nhau, những trao đổi, giao lưu trong khuôn khổ Diễn đàn lần này có ý nghĩa rất lớn để hai bên có thể từng bước khai phá tiềm năng.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp doanh nghiệp Kazakhstan thâm nhập thị trường và hợp tác lâu dài với Việt Nam”, Thứ trưởng Kairat Tore Baev khẳng định.
Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov cho rằng phái đoàn doanh nghiệp Kazakhstan sang Việt Nam lần này là dấu mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
“Cánh Én đầu tiên đã khởi hành. Đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt”, Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov chia sẻ.
Theo Đại sứ Yerlan Baizhanov, Việt Nam có những bước phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm vừa qua, trở thành một điểm sáng kinh tế trong khu vực. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan cũng có nhiều điểm nhấn nổi bật khi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Kazakhstan tại khu vực Đông Nam Á.
Hai nước đã có nền tảng hợp tác vững chắc thông qua các văn kiện quan trọng như Hiệp định Hợp tác Kinh tế thương mại, Hiệp định khuyến khích đầu tư song phương và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…
Đại sứ Yerlan Baizhanov cho biết, chuyến thăm Astana của Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tháng 10/2022 có ý nghĩa quan trọng. Tại cuộc gặp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Tổng thống Kazakhstan Kassym – Jomart Tokayev khẳng định: “Kazakhstan quyết tâm tạo ra bước đột phá trong tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế”.
Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev kỳ vọng năm 2023 sẽ mở ra trang mới trong lịch sử hữu nghị lâu đời giữa Kazakhstan và Việt Nam.
“Ngay sau chuyến thăm này, Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi phải nhanh chóng tăng kim ngạch thương mại song phương lên mức 1,5 tỷ USD”, Đại sứ Yerlan Baizhanov chia sẻ. Ông cho rằng, đoàn doanh nghiệp Kazakhstan sang Việt Nam là khởi đầu cho sứ mệnh quan trọng đó.
Điểm nhấn trong quan hệ Việt Nam - Kazakhstan năm 2022 là việc mở đường bay thẳng giữa Almaty và Nha Trang. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân hai nước. Đại sứ Yerlan Baizhanov cho biết, dự đính sẽ tăng thêm số chuyến bay hai chiều trong tuần để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, người dân hai nước.
Về phía Việt Nam, theo Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh, do dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước có phần chậm lại, điều này cũng ảnh hưởng tới mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan. Tuy nhiên, việc tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp là cơ hội tốt để hai phía cùng thảo luận về tình hình vừa qua, cũng như tìm kiếm thêm cơ hội mới nhằm tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới.
Trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt gần 600 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Kazakhstan đạt 525 triệu USD, nhập khẩu từ Kazakhstan sang Việt Nam đạt 60 triệu USD.
Kazakhstan hiện nay đang đứng ra làm một trung tâm trung chuyển quan trọng đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa dịch vụ theo đường bộ nhanh nhất từ châu Á qua châu Âu và ngược lại. Việt Nam có thể thông qua Kazakhstan như một thị trường trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác trong Liên minh Kinh tế Á-Âu, cũng như khu vực Tây Á và châu Âu.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, hai bên đều cho rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan hiện nay còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Trên cơ sở đó, hai bên đã nhất trí phối hợp triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thương mại – đầu tư song phương và để xuất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
| Ngoại giao kinh tế: Sứ mệnh trung tâm, xuyên suốt Ngoại giao kinh tế hay Chỉ thị số 15-CT/TW đã truyền động lực và cảm hứng tới các nhà ngoại giao ra sao? Họ đã ... |
| Khám phá cơ hội tạo sức bật cho hợp tác kinh tế Việt Nam-Ấn Độ Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đề cập nhiều cơ hội thương mại trong các lĩnh vực như nông sản, dược phẩm, ... |
| Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của Ngoại giao Việt Nam Nhân dịp đầu Xuân 2023, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn báo chí về công tác ngoại ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Singapore: Mở đầu năm đặc biệt của một mối quan hệ đặc biệt Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu ... |
| Quyền Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, việc “mang chuông đi đánh xứ người” luôn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, ... |