Tư lệnh Hải quân Đức, Phó Đô đốc Kay Achim Schonbach. (Nguồn: AP) |
Ông Schonbach đưa ra tuyên bố trên trong chuyến thăm Ấn Độ, khi phát biểu về “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức” tại Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA) vào ngày 21/1.
Trong một thông cáo báo chí, MP-IDSA cho biết, cuộc nói chuyện diễn ra trùng với thời điểm khinh hạm Bayern của Hải quân Đức cập cảng Mumbai.
Phát biểu nhân dịp này, Phó Đô đốc Schonbach nói rằng, việc triển khai tàu Bayern trong khu vực phù hợp với định hướng chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức, tập trung vào hợp tác và an ninh hàng hải.
Đề cập cam kết của Đức đối với việc tăng cường can dự an ninh và quốc phòng trong khu vực, Phó Đô đốc Schonbach nói rằng, Đức ủng hộ các tuyến vận tải biển mở, các thị trường mở và thương mại tự do, nhưng đồng thời cũng ủng hộ số hóa, kết nối và nhân quyền.
Việc triển khai chiến hạm Bayern nhằm củng cố khía cạnh an ninh trong cam kết của Đức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bình luận về Trung Quốc, ông nói rằng, mặc dù nước này là đối tác quan trọng của cả Ấn Độ và Đức, nhưng hành vi quyết đoán của Bắc Kinh đã gây sức ép đối với trật tự quốc tế.
Theo Tổng Giám đốc MP-IDSA Sujan R. Chinoy, việc Hải quân Đức quay trở lại khu vực sau gần hai thập kỷ là một "sự kiện hàng hải quan trọng có ý nghĩa chiến lược rộng lớn".
Nhiều người đánh giá việc triển khai khinh hạm Bayern cho thấy, Đức đã khôi phục lợi ích chiến lược trong khu vực và báo hiệu nước này sẽ tăng cường các hoạt động triển khai trong tương lai tại đây.