📞

Đức: 'Biến căng' khi Thủ tướng Scholz hành động gắt, liên minh cầm quyền tan rã, nguy cơ 'vô chính phủ' và bầu cử sớm

Bảo Minh 08:49 | 07/11/2024
Tối 6/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, thuộc đảng Dân chủ tự do (FDP) trong liên minh cầm quyền.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner tại một cuộc họp ở Berlin, Đức, hồi tháng 6. (Nguồn: Getty Images)

Vài phút trước khi tin tức về việc sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner được công bố, phương tiện truyền thông Đức đưa tin rằng, nhà lãnh đạo đảng FDP đã đề xuất với Thủ tướng Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về việc tổ chức bầu cử sớm vào đầu năm tới.

Đề xuất này được xem như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng của chính phủ, song theo tờ Bild, Thủ tướng Scholz đã bác bỏ.

Động thái trên khiến FDP nổi giận, tuyên bố sẽ rút toàn bộ các bộ trưởng ra khỏi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, chấm dứt liên minh "đèn giao thông" giữa ba đảng gồm SPD, đảng Xanh và FDP, được thành lập vào cuối năm 2021.

Ngay cùng ngày, Thủ tướng Scholz đã thông báo sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 15/1/2025, một bước đi có thể dẫn đến bầu cử liên bang sớm vào tháng 3 tới.

Theo nhà khoa học chính trị Jana Puglierin, Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng tới, bởi vì nếu diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và bầu cử trước thời hạn như thời gian trên thì Đức có thể không có một chính phủ mới hoạt động cho đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6/2025.

Liên minh cầm quyền của Đức đã bị “mắc kẹt” trong cuộc tranh cãi liên quan các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của FDP đưa ra.

Đề xuất dài 18 trang gồm cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, bãi bỏ quy định về khí hậu và giảm phúc lợi xã hội. Những đề xuất này không chỉ bị chỉ trích mạnh mẽ mà còn được coi là một sự khiêu khích đối với các đối tác trong liên minh, bao gồm đảng SPD và đảng Xanh.