Đức nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế Nga. Nhân viên của Uniper đang làm việc tại Bavaria (Đức). (Nguồn: Reuters) |
Chiến lược trên cho thấy, nỗ lực của các doanh nghiệp Đức trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế và xây dựng các kế hoạch dự phòng trong mùa Đông, do lo ngại Nga có thể dừng cung cấp khí đốt tự nhiên hoàn toàn.
Trong trường hợp không đủ nguồn cung, Uniper có thể sử dụng nguồn LNG của Mỹ được chuyển cho các khách hàng châu Á để phục vụ các khách hàng châu Âu nhằm đẩy nhanh tốc độ cung ứng.
Một người phát ngôn của Uniper cho biết, công ty này đã nỗ lực để chuyển hướng các lô khí đốt tới Đức. Lượng LNG từ Australia có thể được đổi lấy khí đốt từ Mỹ và hiện đang được vận chuyển qua Đại Tây Dương để chuyển tới các khách hàng ở các nước châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Công ty có thể sử dụng nguồn này trong trường hợp châu Âu cần đến.
Uniper, công ty sở hữu sàn giao dịch năng lượng bán buôn lớn với phạm vi toàn cầu, có các kết nối với các khách hàng tại châu Á để có thể sử dụng các nguồn cung của họ, thay thế bằng khí đốt nhận được từ Woodside theo các hợp đồng cung cấp dài hạn.
Ông Tamir Druz, Giám đốc quản lý của Capra Energy, công ty tư vấn về LNG cho rằng, với việc đổi LNG từ Australia để lấy khí đốt từ Mỹ, Uniper có thể rút ngắn thời gian vận chuyển ít nhất là 10 ngày.
Điều này không chỉ giảm đáng kể chi phí vận chuyển mà còn cho phép Uniper nhận được khối lượng khí đốt cao hơn 1-2% nhờ giảm bớt tình trạng bay hơi.
Kể từ giữa tháng Sáu, Nga đã giảm đáng kể lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và hiện chỉ cung cấp 20% khối lượng đã nhất trí, do thiết bị lỗi và bị giao chậm.
Uniper, công ty của Đức nhập khẩu khí đốt của Nga nhiều nhất và Woodside đã tăng gấp đôi khối lượng khí LNG cung cấp theo thỏa thuận có thời hạn 13 năm từ năm 2021 lên 1 triệu tấn /năm và sẽ tăng lên 2 triệu tấn/năm từ năm 2026.