Ngày càng có nhiều du học sinh Mỹ lựa chọn Đức để theo học bậc Đại học. (Ảnh minh họa) |
Theo Viện Giáo dục Quốc tế (Đức), hiện có khoảng hơn 10.000 sinh viên Mỹ đang học đại học tại quốc gia này. Con số này tăng khoảng 9% so với năm 2014 và khoảng 25% so với giai đoạn 2008-2009.
Mức học phí cạnh tranh
Natasha Turner (25 tuổi, New York) đến Đức du học theo một chương trình trao đổi cách đây ba năm nhưng đã quyết định ở lại sau khi nhận thấy chi phí học tập ở đây rất phải chăng. Hiện Natasha đang học Thạc sĩ ngành Mỹ học tại Đại học Bonn.“Tại Mỹ, tôi phải vay tiền để học hết bậc đại học. Tuy nhiên ở Đức, tôi không gặp phải khó khăn về tài chính khi hoàn thành chương trình Đại học của mình”, cô chia sẻ.
Từ bậc đại học, sinh viên tại Đức chỉ phải đóng phí quản lý trường học và đóng góp cho các hiệp hội sinh viên. Mức phí này hiếm khi vượt quá con số 250 USD/tháng. Trong nhiều trường hợp, số tiền này còn bao gồm cả chi phí mua sách vở và đi lại bằng phương tiện công cộng.
Sarah Johnson bang Minnesota, một học viên Cao học tại Đại học Bonn chỉ mất khoảng 7.200 USD/năm cho chi phí ăn ở và học tập tại Đức. Con số này không thấm tháp là bao so với số tiền học phí mà cô phải trả khi học ở Mỹ (khoảng 20.000-30.000 USD/năm). Dù không được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình và không có học bổng nhưng Sarah Johnson vẫn có thể tự trang trải cho việc học tập của mình tại Đức.
So với các nước phát triển khác ở châu Âu, mức sinh hoạt phí ở Đức tương đối rẻ. Với 500-600 Euro/tháng, một sinh viên có thể sống thoải mái tại nhiều thành phố ở Đức. Bên cạnh đó, từ tháng 8/2012, Chính phủ Đức đã cho phép sinh viên được làm thêm 120 ngày/năm hay 240 nửa ngày/năm với mức lương tối thiểu là 8.5 Euro/giờ. Vì vậy, có rất nhiều sinh viên nước ngoài đến đây du học mà không cần sự hỗ trợ từ gia đình.
Không chỉ có mức học phí cạnh tranh, giáo dục Đức còn được đánh giá ngang hàng với nhiều nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới. Bà Dorothea Rueland, Tổng Thư ký Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức cho biết: “Các trường đại học Đức rất có tiếng tại Mỹ. Chúng tôi đang mở rộng các khóa học bằng tiếng Anh và điều này đã khiến các sinh viên Mỹ dễ dàng hòa nhập hơn vào hệ thống giáo dục của Đức”. Những năm gần đây, Đức đã có khoảng hơn 1.000 lớp học tiếng Anh thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau được mở cho sinh viên nước ngoài theo học.
Thủ đô Berlin vẫn là một trong những thành phố thu hút nhiều sinh viên Mỹ theo học nhất với khoảng 1.000 người. Tiếp đến là các trường đại học thuộc bang Baden-Wuerttemberg (miền Nam nước Đức) do có quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều trường đại học của Mỹ.
Chi để thu
Học phí bậc đại học tại cả trường công và trường tư ở Mỹ đã tăng mạnh trong những thập kỷ vừa qua. Trong khi đó, chi phí giáo dục công tại Đức chủ yếu được chi trả bởi chính quyền các bang và chính quyền trung ương. Năm 2015, ngân sách chi cho giáo dục đại học chiếm tới 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.
Ước tính, mỗi học viên thạc sỹ hệ hai năm sẽ tiêu tốn của chính phủ Đức 18.000 USD, trong khi đó mỗi sinh viên đại học sẽ tiêu tốn của chính phủ nước này khoản chi phí lên đến 30.000 USD. Đặc biệt, mỗi sinh viên y khoa sẽ tiêu tốn khoảng 220.000 USD từ Chính phủ Đức để hoàn thành chương trình học của mình.
Đổi lại khoản chi phí khổng lồ như vậy, nước Đức sẽ được lợi gì? Theo bà Dorothea Rueland, có khoảng 50% sinh viên và học viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp sẽ ở lại sinh sống, làm việc tại Đức. Không chỉ đóng thuế, quan trọng hơn, họ chính là nguồn lao động bổ sung cho tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang ở mức báo động hiện nay ở Đức.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức 43% doanh nghiệp Đức cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai và 40% cho rằng chi phí nhân công lớn sẽ khiến rủi ro của doanh nghiệp tăng cao. Sự thiếu hụt này được dự báo là chưa thể được giải quyết trong vài chục năm tới. Do vậy, những năm qua, Đức đã có những chính sách để thu hút các sinh viên nước ngoài học xong và ở lại làm việc tại Đức, tạo điều kiện để các công ty nhận sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Lao động nhập cư cũng mang đến cho nước Đức nguồn thu không nhỏ từ thuế. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu (ZEW) cho thấy, trong năm 2012, số thuế mà 6,6 triệu người nước ngoài ở Đức đóng cho chính phủ cao hơn 22 tỷ Euro so với tổng số tiền trợ cấp (bao gồm chi phí ăn ở, đào tạo, phúc lợi xã hội khác) mà Chính phủ đã dành cho họ khi đến Đức.