Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch. |
Nếu Đại sứ báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi ở nhà tuyển chọn, thông tin lại cho bạn, quá trình phải mất đến hàng tháng trời. Từ lâu, Chính phủ Iran cam kết sẽ nhận đào tạo năm đến mười người ở các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học, nhưng nhiều năm nay không có người tham gia các chương trình này. Với suy nghĩ như vậy, thay vì thông tin về nhà, Đại sứ chia sẻ thông tin trên trang mạng xã hội, trên trang Facebook của mình. Người này bảo người kia, chỉ trong vòng 2 ngày đã có hơn 20 ứng cử viên cho chương trình. Đại sứ phải phỏng vấn các ứng viên luôn trên mạng xã hội để tìm 5 ứng cử viên hợp lý nhất cho chương trình. Chỉ trong vài ngày, 5 ứng viên đã được chọn. Cả 5 ứng viên đều là người Đại sứ chưa từng gặp ngoài đời. Mạng xã hội đã kết nối, giúp giải quyết một việc nhỏ thôi, nhưng rất nhanh và hiệu quả.
Đây là lần thứ hai Đại sứ Việt Nam tại Iran dùng mạng xã hội để tuyển sinh viên học tiếng Ba Tư. Cách đây 2 năm, trong một lần đi công tác thăm trường Đại học Azad tại Khorasgan, bạn cũng tỏ ý sẵn sàng đào tạo tiếng Ba Tư cho sinh viên Việt Nam với điều kiện có ít nhất 5 học viên thì sẽ được ưu đãi giảm giá học phí và tiền ăn ở một nửa. Lúc đó khó khăn lắm qua trang mạng Facebook mới có 4 cháu tham gia. Để duy trì lớp học Đại sứ quán phải trả thêm cho 1 suất học, nhưng không có người học. Sau này có một cháu tình cờ đi du lịch qua và ở lại dùng luôn suất học đấy của Đại sứ quán và trở thành học sinh xuất sắc nhất. Hai năm trôi qua, trang Facebook của Đại sứ Việt Nam tại Iran đã tăng từ dưới 1.000 lên hơn 3.600 người đăng ký theo dõi, nên từ chỗ không tuyển đủ số học viên cho chương trình đến chỗ số đăng ký gấp bốn, năm lần trong thời gian chỉ một, hai ngày. Một so sánh cho thấy mạng xã hội càng rộng, hiệu quả cho cùng một công việc càng lớn.
Việt Nam và Iran cách xa nhau về địa lý, các doanh nghiệp không dễ dàng sang để tìm hiểu thị trường, thế mạnh của Iran. Mỗi lần đi công tác thấy những cái hay của bạn, bên cạnh việc thông tin chính thức về các cơ quan có trách nhiệm, Đại sứ còn dùng trang Facebook của mình để quảng bá. Thực tế là phản hồi từ trang Facebook nhanh hơn và Đại sứ quán kết nối được nhanh hơn, nhiều hơn qua trang mạng xã hội hơn là qua kênh chính thức. Một số loại hoa quả các bạn Iran cần, chỉ đăng tải trên trang mạng xã hội là có ngay các nhà cung cấp và có thể kết nối ngay để các doanh nghiệp trao đổi.
Người dân Việt Nam và Iran đều rất có thiện cảm với nhau. Nói đến Việt Nam, các bạn Iran luôn dành tình cảm nồng hậu, yêu mến, không chỉ vì Việt Nam đã thắng đế quốc mà còn là Việt Nam đã sẵn sàng khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, để hướng tới tương lai. Người Việt Nam cũng rất yêu quý trân trọng nền văn hóa Ba Tư huyền bí. Song có một nghịch lý là đại bộ phận người Iran và Việt Nam đều thiếu thông tin ngày hôm nay về nhau. Đất nước Iran thanh bình, người Iran hiếu khách, nhưng trong con mắt của nhiều người Việt lại là mảnh đất của chiến tranh, khủng bố và bất ổn. Ngược lại, không ít người ngạc nhiên khi được biết là Việt Nam đã thống nhất đất nước, chiến tranh đã lùi xa 40 năm!
Có người làm công tác truyền thông nhưng rất áy náy khi được cử sang Iran công tác. Qua “chit-chat” trên mạng xã hội với Đại sứ Việt Nam tại Iran mới yên tâm sang Iran và khi về tâm sự, đã không thể hài lòng hơn vì có một chuyến đi đáng nhớ, tới vùng đất ‘hoàn toàn không như thông tin có trước khi đi’. Một người làm công tác truyền thông còn thiếu thông tin như vậy thì việc xã hội thiếu thông tin hay thông tin bị méo mó là dễ hiểu. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại sang Iran cũng chia sẻ ý kiến tương tự với Đại sứ Việt Nam tại Iran như thế. Thực ra, không chỉ người Việt Nam ngạc nhiên khi sang Iran. Gần như tất cả Ngoại giao đoàn tại Tehran đều thống nhất với nhau là, sang Iran mới thấy Iran khác! Trong hoàn cảnh thông tin “truyền thống” chưa có thông tin đầy đủ về đất nước mình công tác, trang Facebook của Đại sứ Việt Nam tại Iran đã giúp để bức tranh về Iran đầy đủ và chính xác hơn đến người Việt.
Công việc của các đại sứ, cán bộ ngoại giao, tựu chung lại chỉ là để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển. Việc hiểu đúng về nhau là vô cùng quan trọng. Khi các kênh truyền thống vì lý do này khác chưa đưa được thông tin đầy đủ đến với người dân, mạng xã hội của những cán bộ có trách nhiệm sẽ bổ sung làm cho bức tranh đó đầy đủ hơn.
Trên trang Facebook của mình, Đại sứ Việt Nam tại Iran nhận không ít lời cảm ơn là nhờ nó mà người theo dõi có thông tin đầy đủ hơn về Iran. Nhiều người chia sẻ quyết định đi du lịch Iran sau khi theo dõi trang Facebook của Đại sứ Việt Nam tại Iran. Đến cuối nhiệm kỳ công tác, càng có nhiều người bạn ngoài đời cũng như trên trang mạng quyết định sang thăm Iran trước khi Đại sứ về nước. Có đoàn quyết định dời kế hoạch từ Hè 2018 lên Tết Mậu Tuất sang Iran chỉ vì để sang trước khi Đại sứ về nước. Thật cảm động với đánh giá gián tiếp của cộng đồng, bạn bè như vậy về công việc của Đại sứ. Thành công đấy có được là nhờ một công cụ mạnh là mạng xã hội. Chính trang Facebook chuyển tải những câu chuyện mắt thấy tai nghe đã thuyết phục người đọc.
Công cụ nào cũng có hai mặt của nó. “Con dao” rất cần cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thậm chí có thể giúp cho các nghệ sĩ tạo một tác phẩm đẹp, nhưng trong tay một tội phạm sẽ là một hung khí. Thông tin hay, tốt, bổ ích đi nhanh mà thông tin dở, xấu, có hại cũng đi nhanh với tốc độ tương tự.
Có chính trị gia dùng Twitter phản tác dụng đến mức mà người ta thậm chí còn đặt vấn đề có nên cấm chính trị gia đấy dùng Twitter hay không. Trường hợp đấy có lẽ là trường hợp điển hình của một công chức không nên dùng mạng xã hội.
Làm Đại sứ, mặc dù cũng chỉ là một cán bộ trung cấp, nhưng tạm thời lại là người đại diện cho quốc gia ở một nước nào đó, càng cần rất cẩn trọng khi dùng “con dao hai lưỡi” là mạng xã hội. Không dùng thì đơn giản. Tự bỏ đi một công cụ mạnh, đơn giản. Nhưng dùng hiệu quả thì nên khuyến khích và hãy đánh giá việc sử dụng mạng xã hội đấy qua thực tế chứ không nên qua một lăng kính nào.
Nguyễn Hồng Thạch
Đại sứ Việt Nam tại Iran