📞

Đừng cháy đâu mới chữa đó!

18:34 | 01/04/2016
Phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 26/3 vừa qua có nhiều vấn đề thời sự được đưa ra mổ xẻ. Một trong những câu chuyện của ngành Y tế đã làm nóng phiên họp Chính phủ là câu chuyện quản lý vắc xin.

 

Vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là Việt Nam nằm trong số ít những nước sản xuất được vắc xin, dân số tới gần 100 triệu người, sao không phát huy được lợi thế là tự làm, tự sản xuất để dùng? Thủ tướng còn gợi ý thành lập một công ty nhà nước chuyên đầu tư để sản xuất vắc xin cho người dân dùng, chứ nghe mãi thông tin vắc xin chỗ này chỗ kia thiếu, nhập quá hạn dụng hoặc xảy ra tai biến… thì sốt ruột lắm!

Thực tế, một trong những nỗi lo thường trực của những bà mẹ nuôi con nhỏ tại Việt Nam hiện nay là chuyện tiêm phòng vắc xin cho con. Bên cạnh bài toán kinh tế được đưa lên cân, đo, đong, đếm còn là sự phân vân về chất lượng vắc xin, chọn nơi tiêm chủng, thậm chí cả việc sắp xếp thời gian để canh giờ tiêm cho con... Còn nhớ cuối tháng 12 năm ngoái, hàng trăm người dân đã phải thức trắng đêm trong tiết trời mưa rét tại rất nhiều cơ sở y tế để mong được tiêm cho con mình một mũi vắc xin Pentaxim. Sau cơn hiếm Pentaxim, mới đây lại là cơn sốt vắc xin ngừa viêm não mô cầu A, C. Và lại là một hệ quả, cứ lúc người dân cần là... vắc xin “cháy”!

Lãnh đạo Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã từng khẳng định, chiến lược lâu dài của ngành Y tế là các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia bao phủ được tối đa các bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh ở trẻ em. Thế nhưng, tại sao người dân vẫn không mặn mà với các loại vắc xin được tiêm trong chương trình miễn phí này?

Có lẽ, trước hết, do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa được tốt nên không thể trấn an tinh thần các bậc phu huynh sau một vài sự cố đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin. Thứ hai là do công tác dự trữ nguồn vắc xin dịch vụ tại Việt Nam chưa được chủ động. Ví dụ  trong năm 2015, các nhà cung cấp vắc xin mới cam kết cung ứng 530.000 liều vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1. Số này chỉ tiêm đủ cho trên 170.000 trẻ, so với nhu cầu thực tế là quá thấp. Một nguyên nhân quan trọng khác là do tâm lý vẫn còn chủ quan của người dân, chỉ khi xảy ra dịch bệnh mới đổ xô đi tiêm phòng cho con, dẫn đến tình trạng quá tải là dễ hiểu.

Được biết, Việt Nam đang triển khai dự án với kinh phí hàng chục tỷ đồng để sản xuất những vắc xin mới. Dự kiến, năm 2018 ,Việt Nam cũng sẽ phối hợp với nhà sản xuất vắc xin quốc tế trong chương trình này để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vắc xin phối hợp. Tuy nhiên, trước khi có bức tranh tươi sáng hơn thì chúng ta cũng nên chủ động trong việc tiêm phòng cho con nhỏ, đừng để “cháy đâu mới chữa đó”!