📞

Đừng đánh mất tuổi thơ của bé!

15:00 | 05/06/2016
Bước nhảy hoàn vũ nhí, The Voice nhí, Gương mặt thân quen nhí, Vietnam Idol nhí, Bố ơi mình đi đâu thế... truyền hình Việt Nam đang bội thực các chương trình “nhí”.

Vào cuối tháng Ba vừa qua, trong đêm chung kết The Remix – Hòa âm ánh sáng mùa thứ 2, MC Thành Trung tiết lộ với khán giả rằng Ban Tổ chức (BTC) sắp cho ra mắt: The Remix nhí. Khi nghe thông tin này, tôi  giật mình. Cứ như phiên bản người lớn mà suy, các bé tham gia chương trình sẽ: mặc đồ bó, hát nhạc EDM (nhạc dance điện tử), dubstep... xập xình, nhảy cùng vũ đoàn, cùng DJ trong ánh sáng mờ ảo... Những điều này làm tôi nhớ đến giai đoạn một số ông bố bà mẹ đua nhau làm clip hát các bài yêu đương rên rỉ cho con, mà báo chí từng phê phán kịch liệt.

Hậu quả nhãn tiền của sự nở rộ các cuộc thi tài năng nhí chính là việc “ép lúa non”. Khi tham gia các chương trình,  hầu hết thí sinh nhí sẽ  sao nhãng việc học hành vì chạy theo các số phát sóng. Để tăng tính đa dạng cho chương trình, đáp ứng nhu cầu giải trí của người xem, nhiều BTC sẵn sàng ép các em đóng nhiều vai người lớn kệch cỡm: cô bé hát nhạc Trịnh sầu đời, cậu nhóc hóa trang thành ca sĩ da đen tán tỉnh các vũ công, các bé gái khoe da thịt với bộ đồ nhảy bó sát...

Ảnh minh họa.

Trong thời khắc công bố kết quả, không ít bé đã khóc tức tưởi vì bị loại. Những cuộc thi này đâu phải là sân chơi đơn thuần để các bé giao lưu, khám phá tài năng như BTC tuyên bố mà chính là sàn đấu. Các thí sinh nhí chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều về mặt tâm lý khi phải đấu đá với bạn bè mình để giành quyền đi tiếp.

Trượt đã vậy, trúng giải có khi còn tồi tệ hơn. Với tâm lý không vững vàng, khi bị thần tượng hóa quá sớm, các em nhiều khả năng khó hòa nhập với cộng đồng. Những Macaulay Culkin, Lindsay Lohan... của thế giới là minh chứng rõ ràng cho điều này. Những ngôi sao bước ra từ các cuộc thi như: Phương Mỹ Chi, Huyền Trân... đều có các hợp đồng lao động (bố mẹ hoặc người giám hộ ký thay) và liên tục đi biểu diễn. Các em phải miệt mài chạy show kiếm tiền khi vẫn còn đang trong tuổi ăn, tuổi học. Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng Tư vừa qua, Huyền Trân chia sẻ rằng nam ca sĩ đỡ đầu đã bắt em phải hoàn tục, nuôi tóc dài để trở thành ca sĩ nổi danh... (Huyền Trân là ni cô).

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã cấm phát sóng “Bố ơi! mình đi đâu thế” dù cho chương trình đang cực kỳ ăn khách. Thứ nhất, họ quan ngại về tình trạng các ông bố bà mẹ lợi dụng con cái để tăng danh tiếng. Thứ hai, họ không muốn các em bé bị truyền thông thổi phồng thành những ngôi sao hay vùi dập vì không thỏa mãn mong muốn của người xem. Tại Hàn Quốc - nơi ra đời Chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế”, những người làm giáo dục cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Vậy còn ở Việt Nam, các nhà quản lý giáo dục, những người làm truyền hình đã ở đâu khi mà các bé bị “bóc lột” ở trong và sau nhiều cuộc thi như vậy.

Trong đêm chung kết “The Voice nhí 2014”, MC Thanh Bạch đã nói với các thí sinh rằng: “Các con ở đây ngày hôm nay là một bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời... Khi các con đã đạt được đỉnh cao thì các đỉnh cao khác lại xuất hiện. Nếu con vẫn hát như ngày hôm qua thì khán giả sẽ không hài lòng”.

Còn tôi, tôi chỉ muốn các em xem những cuộc thi trên truyền hình là kỷ niệm đẹp của tuổi thơ chứ không phải là sự kiện quyết định cuộc đời. Tôi chẳng muốn các em phải nỗ lực thể hiện mình vì kỳ vọng người khác. Các em hãy cứ là những đứa bé vô tư, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Cuộc sống của các em hạnh phúc không phải vì được showbiz chấp nhận, khán giả tung hô... các em hạnh phúc vì được vui chơi, học hành, được bố mẹ yêu quý.