Trước hết, phải nhận thức ngay rằng: một khi chúng ta quan niệm thời đại hiện nay là sự lên ngôi của internet và sách giấy, báo giấy đã đến hồi cáo chung thì chính là chúng ta đang tự mình nói lời giã từ với một kiểu hình tư duy đọc mang tính cổ xưa nhất - nền tảng vĩnh hằng của nhân loại.
Chúng ta cần ý thức rằng, chính quá trình đọc sách giấy sẽ giúp chúng ta hình thành những kỹ năng đọc - hiểu, kỹ năng tư duy nền tảng mà việc "lướt" internet hay đọc sách điện tử hoàn toàn không thể mang lại.
Các khảo sát xã hội học và thực nghiệm của các chuyên gia cho thấy, đọc sách điện tử (ebook) thường không đem lại cảm giác tốt nhất về mặt giác quan cho người đọc. Thế nên, việc ghi nhớ các dữ kiện trong nội dung cuốn sách thường dễ bị mất đi. Và đành rằng, với internet, sức mạnh của sự tra cứu rất hữu ích nhưng tra cứu chỉ là một thành tố nhỏ trong chu trình của việc đọc.
Độc giả của sách giấy thường có nhịp sống chậm mà chắc. (Nguồn: VMW) |
Một cách hình tượng, độc giả của sách giấy, báo giấy thường có nhịp sống chậm (chậm mà chắc), còn độc giả của internet thường có nhịp sống nhanh, nhịp sống công nghiệp. Nhanh, vội luôn khiến chúng ta bỏ lỡ một nhịp giá trị nào đó của cuộc đời. Nhanh, vội luôn khiến chúng ta rơi và trạng thái "cưỡi ngựa xem hoa", mất tính hệ thống trong việc tiếp nhận và xử lý vấn đề.
Có một thực tế là không phải quyển sách nào cũng đã được số hóa. Nếu chỉ chăm chăm vào "ngân hàng ebook" hiện có thì rất có thể, chúng ta đã bỏ sót một quyển sách mà chúng ta đáng lý ra cần phải được đọc để hoàn thiện hơn sự hiểu của mình về một vấn đề mà chúng ta đang quan tâm tìm hiểu. Đó là lý do ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu, những hệ thống thư viện của quốc gia lẫn của các trường đại học với số lượng khổng lồ các đầu sách chưa bao giờ là nơi hoang vắng người lui tới.
Lợi thế của internet đang khiến nhiều người từ bỏ phương pháp đọc sách truyền thống. (Nguồn: Vecteurdelutece) |
Một trong những điểm khác nhau nữa giữa sách và internet là chất lượng của tri thức, thông tin. Các đầu sách được xuất bản trong nước đều được quản lý bởi hệ thống cấp phép của Cục xuất bản, in và phát hành. Tuy rằng thỉnh thoảng vẫn thấy báo chí và độc giả chỉ ra những ấn phẩm kém chất lượng an nhiên lọt qua quy trình kiểm duyệt của nhà xuất bản, của đơn vị quản lý nhà nước nhưng dù sao vẫn còn an tâm hơn xa lộ thông tin trên internet thường không trải qua sự kiểm duyệt. Bởi đơn giản, ngoài hệ thống các trang báo điện tử chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông thì hầu như các website hay các blog cá nhân đều có thể đăng tải bất kỳ nội dung gì mà chủ sở hữu quyết định.
Có nhiều lý do để chúng ta giải thích về thái độ xa rời sách. Những ý kiến này rất đáng tham khảo, tuy vậy cũng cần được phản biện một cách đa chiều. Người đọc thì bảo giá thành sách hiện nay còn khá cao so với thu nhập bình quân của người đọc. Tác giả và các đơn vị làm sách thì nói giá sách như thế chưa tương xứng với những gian nan, khó khăn mà họ bỏ ra để có được khối lượng tri thức đó. Giải pháp ở đây là sự xã hội hóa thông qua các quỹ tài trợ xuất bản, tài trợ thư viện để đôi bên tác giả và độc giả đều được trân trọng và đều có cơ hội hoàn thành trách nhiệm của mình trong quy trình viết – đọc.
Cuối cùng, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiếp nhận thông tin qua sách hay qua internet chỉ khác nhau ở hình thức vì suy cho cùng sách hay internet chỉ là công cụ hỗ trợ cho quá trình đọc. Quan trọng là chúng ta đã đọc những gì và đọc được bao nhiêu, tức là số lượng nội dung chúng ta tiếp cận, chất lượng của các nội dung đó để áp dụng, chuyển hóa như thế nào vào thực tiễn cuộc sống.