Còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá nửa cuối năm 2022. |
Theo quan điểm chung của các chuyên gia, Việt Nam có lý do để yên tâm về lạm phát, tất nhiên, dù không nên chủ quan. Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với tháng 7/2021. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
Như vậy, Việt Nam vẫn có nền tảng tốt để kiểm soát lạm phát, với mức tăng thêm 1-2% vẫn giữ được các ổn định lớn. Theo đánh giá của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, trong bối cảnh bất ổn của tình hình thế giới, Việt Nam là một điểm sáng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề lạm phát, các thách thức với kinh tế Việt Nam còn gia tăng vào nửa cuối năm, với câu chuyện chậm giải ngân đầu tư công, bất ổn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu... Chỉ số lạm phát chỉ là một phần trong câu chuyện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nếu chỉ tập trung vào nó, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác.
Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải cân đối được mục tiêu kiểm soát lạm phát mà vẫn duy trì được đà phục hồi và phát triển. Chẳng hạn, kiềm chế được lạm phát ở mức thấp nhưng sức khỏe doanh nghiệp vì thế mà ốm yếu thì có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, không ổn định được kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong lúc này, khi doanh nghiệp nội địa đang thiếu vốn để hồi phục, mà lại chậm được bơm vốn thì có thể làm lỡ cơ hội. Hoặc nếu, siết tín dụng trong những thời điểm bất thường, “yếu mà không được hỗ trợ”, có khi lại nguy hiểm.
Thiết nghĩ, sự linh hoạt của chính sách tiền tệ không phải siết chặt lại để bớt lạm phát mà thể hiện trong việc chuyển dịch tín dụng vào các ngành, các lĩnh vực cần thiết, để vực dậy và vươn lên. Hơn nữa, một yếu tố không thể tách rời khỏi ổn định vĩ mô là sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế vừa trải qua biến động chưa từng thấy và tiếp tục phải đối diện với những biến động khó lường.
Trong đó, sức chống chịu của nền kinh tế được đảm bảo bởi những chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chính sách phản ứng với những cú sốc bất thường như dịch bệnh, biến động địa chính trị.