Theo ông Mại, năm 2016, xu hướng nền kinh tế đã và đang chịu tác động mạnh mẽ bởi biến động của kinh tế thế giới, trong đó có việc Anh rời EU (Brexit); bầu cử Tổng thống Mỹ với việc ông Trump đắc cử; việc Mỹ có thể bỏ ngỏ ý định tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được rất nhiều kỳ vọng tại Việt Nam.
Vị chuyên gia này cho rằng, những vấn đề này được cho là ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt xuất khẩu và thu hút FDI vào Việt Nam sẽ giảm sút do kỳ vọng thị trường xuất khẩu của nhà đầu tư không tốt. Tác động cộng hưởng trên làm cho FDI vào bất động sản giảm bởi tăng trưởng GDP thấp được cho sẽ tác động làm giảm nhịp tăng của thị trường BĐS.
Hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN) |
Theo ông Mại, chúng ta không nên dồn quá nhiều sự quan tâm vào TPP có được thông qua hay không. Thay vào đó, chúng ta cần xem lại, Việt Nam có thể có đón đầu các cơ hội khác hay không. Chúng ta còn các Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) thế hệ mới khác như FTA với Hàn Quốc, EU và Á - Âu. Gần hơn, chúng ta còn thị trường tiêu thụ hơn 650 triệu dân của 10 nước ASEAN đang mở tung.
Với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, nước này đã ưu đãi bỏ thuế cho 95% mặt hàng từ Việt Nam ngay khi hiệp định này có hiệu lực, sớm hơn rất nhiều so với Việt Nam mở cửa cho hàng hóa của họ. Nếu khai thác tốt chúng ta có lợi thế rất lớn. Còn đối với FTA Việt Nam và Liên minh Á - Âu, các nước Đông Âu cũ là thị trường truyền thống của Việt Nam, rất nhiều triển vọng cho hàng nông sản, hoa quả hay điện thoại của Việt Nam vào thị trường khối này khi Nga bị cấm vận. Minh chứng cho điều đó là trong 2 - 3 triển lãm hàng Việt mới được tổ chức tại Nga, nhiều gian hàng đã bán sạch hàng cho đối tác, người dân.
"Cái quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là làm sao khai thác được thị trường trước mắt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nơi có hơn 650 triệu người tiêu dùng mà nhiều tập đoàn lớn đang khao khát. Thời gian qua, điều đáng tiếc nhất của Việt Nam là chúng ta đã thua thiệt về độ nhạy cảm thị trường so với người Thái, người Malaysia. Trên chính sân nhà, ngay đầu năm 2015, khi AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp Thái đã thực hiện nhiều cuộc mua bán, đổ bộ vào Việt Nam thông qua các hãng bán lẻ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nói bị cạnh tranh trên sân nhà gay gắt, còn nếu ra sân chơi AEC, chúng ta có thể sẽ thua ngay", ông Mại nói.
Còn đối với FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), theo ông Mại, chính các doanh nghiệp châu Âu từng nói chưa có nước nào được hơn 20 nền kinh tế ưu đãi thuế quan và nhập khẩu vào EU như hàng Việt. Đây là thị trường có luật lệ tương tự Mỹ, xu hướng tiêu dùng cao, chất lượng. Nếu làm ăn bài bản, doanh nghiệp Việt không lo "chạy đôn chạy đáo" tìm thị trường như trước kia.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donal Trump cam kết 6 hành động có thể ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, tính đến nay, theo nhiều dự báo ông này chưa thực hiện hoặc có thể không thực hiện những chính sách tranh cử của mình. Những chỉ dấu này phản bác lại nhiều quan điểm về những biến động lớn của kinh tế thế giới hậu bầu cử Mỹ và chính sách dưới thời ông Trump.
"6 cam kết nhưng hiện 5 trong số đó của ông Trump được nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ không thực hiện, đó là: đã không bắt giữ bà Hillary Clinton; xây biên giới với Mexico; rút Mỹ khỏi WTO, hay Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với các nước Trung Mỹ; và có thể rút chân khỏi TPP. Nhiều học giả cho hay, chính sách của ông Trump sau bầu cử sẽ khác với tranh cử, nó sẽ chịu tác động lớn từ Đảng Cộng hòa - một Đảng tôn trọng tự do thương mại, do đó hoàn toàn tin rằng, những lợi ích của toàn cầu hóa cho Mỹ và ảnh hưởng tới sẽ vẫn được duy trì và hãy tin vào cơ hội cho Việt Nam", TS Nghĩa nhấn mạnh.