Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore bật tăng. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Xuất khẩu bật tăng tại một số thị trường ASEAN
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore bật tăng.
Trong đó, hai thị trường có kim ngạch tăng cao đáng chú ý là Thái Lan và Singapore.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, tuy tổng kim ngạch thương mại song phương giảm nhẹ 6% (chủ yếu do giảm kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam), xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore cũng như kim ngạch từng chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 677,7 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung khu vực ASEAN, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 4,96 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Thái Lan và Singapore là hai thị trường chủ lực của Việt Nam ở khu vực ASEAN - thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với khu vực thị trường ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế như: Khoảng cách địa lý gần, thị hiếu, văn hóa có nhiều điểm tương đồng. Trong ASEAN có Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA); giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEAN có các thỏa thuận song phương tạo thuận lợi cho thương mại.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu mặt hàng nông sản, thực phẩm sang các thị trường trong khối ASEAN. Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào các nước ASEAN đều yêu cầu có chứng nhận Halal. Chứng nhận này cũng được coi như tiêu chuẩn mới về chất lượng và vệ sinh an toàn.
Cùng với việc lưu ý doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang các nước ASEAN, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia trong khối.
Thông tin về các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sang ASEAN, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Mục đích là đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tham gia tiếp cận trực tiếp với thị trường Malaysia thông qua việc tổ chức hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp tại nước này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến, nhất là việc xác minh đối tác.
Với dân số trên 650 triệu người, quy mô GDP khoảng 3.000 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, có vị trí thuận lợi trong kết nối với Việt Nam, ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng và dư địa cho các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác thị trường ASEAN và cải thiện vị trí của mình trong mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị khu vực.
Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
Nhiều nhóm hàng tỷ USD sang Mỹ giảm tốc
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 6,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với tháng trước đó. Tính chung 2 tháng năm 2023 đạt 13 tỷ USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 19,3% tỷ trọng xuất khẩu. Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,6%, chiếm 16,9% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là hàng dệt may, đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 15% tỷ trọng xuất khẩu.
So với cùng kỳ năm ngoái, các nhóm hàng xuất khẩu cả chục tỷ USD đều giảm rất sâu, cụ thể, dệt may giảm 32,2%, giày dép giảm 35%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 48%, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 17,8%, hàng thủy sản giảm 55%, túi xách, vali ô dù giảm 30%, hạt điều giảm 27%, sản phẩm từ chất dẻo giảm 25%...
Tin liên quan |
Một ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam 'đuối sức' |
Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ không nhiều và mức độ tăng thấp, cụ thể: Máy vi tính, sản phẩm điện từ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,6%, điện thoại các loại đạt 1,62 tỷ USD, tăng 6,4%, cà phê 51,6 triệu USD, tăng 22%, giấy và các sản phẩm từ giấy 56,3 triệu USD, tăng 6,9%.
Mỹ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ cả năm 2022 cán mốc 109 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, là mức kỷ lục xuất khẩu từ trước tới nay sang thị trường này.
Dự báo tình hình xuất khẩu 2023 sẽ khó khăn hơn do tác động của các yếu tố như: suy giảm kinh tế, lạm phát, cầu hàng hóa tại thị trường Mỹ giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu các nhóm hàng hóa dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ... của Việt Nam.
Trung Quốc nhập kỷ lục hành, hẹ, tỏi Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiều 17/3, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho hay, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó, các sản phẩm này đa phần được xuất khẩu đi các thị trường châu Á (chiếm hơn 90%), sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Đại dương.
Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch của Đài Loan (Trung Quốc) thêm 6,6 triệu USD nữa. Các thị trường xếp sau đó là Ấn Độ, Mỹ, Lào, Nhật Bản, Myanmar…
Hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành. (Nguồn: VnBusiness) |
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện tổng diện tích sản xuất hành đạt khoảng 14 - 15 nghìn ha. Chia sẻ một số khó khăn trong sản xuất hành tím hiện nay, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, sản xuất manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ, và vấn đề sâu bệnh.
Hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Thời điểm tháng 2, 3 các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn tới công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu hành củ 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200.000 tấn/năm.
Do đó, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kỳ vọng sự vào cuộc tham gia, hỗ trợ của thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây sẽ là cầu nối giúp mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm hành tím đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm hành tím của Việt Nam ra thị trường thế giới.
| Xuất khẩu ngày 27/2-3/3: Thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp phép; xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh mẽ Hải quan Trung Quốc cấp phép thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng; xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh mẽ ... là những ... |
| Xuất khẩu ngày 3-5/3: 'Lướt' UKVFTA, thủy sản Việt sang Anh tăng trưởng 2 con số; Bộ Công Thương 'gỡ khó' cho doanh nghiệp xuất khẩu 'Lướt' UKVFTA, thủy sản Việt sang Anh tăng trưởng 2 con số; thiếu vắng đơn hàng, Bộ Công Thương 'gỡ khó' cho doanh nghiệp... là ... |
| Xuất khẩu ngày 6-10/3: Tin vui cho gạo xuất khẩu; thủy sản Việt 'đắt hàng' tại Quảng Tây (Trung Quốc) Tin vui cho gạo Việt; thủy sản Việt 'đắt hàng' tại Quảng Tây (Trung Quốc); 9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương 2 tháng ... |
| Xuất khẩu ngày 10-12/3: Cơ hội cho chuối Việt gia nhập 'câu lạc bộ tỷ USD'; mong manh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% Mong manh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023; cơ hội cho chuối Việt gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD"... là những ... |
| Xuất khẩu ngày 13-17/3: Sầu riêng Cần Thơ lần đầu cập cảng Trung Quốc; thặng dư thương mại 3,44 tỷ USD, vì sao vẫn lo? Sầu riêng Cần Thơ lần đầu cập cảng Trung Quốc; thặng dư thương mại 3,44 tỷ USD, nhưng vẫn lo... là những tin nổi bật ... |