Đến tháng 3/2023, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Hải quan Trung Quốc cấp phép thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), toàn bộ mã số mới sầu riêng vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt vào ngày 23/2, trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất. Tiền Giang cũng là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã.
Như vậy, đến nay, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Trước đó, ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này.
Trước đó, Hải quan Trung Quốc đã cử 25 cán bộ kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói và hơn 100 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng bố trí 22 cán bộ phối hợp với địa phương để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong quá trình kiểm tra.
Sầu riêng là trái cây cho giá trị kinh tế cao. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tăng cường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giúp nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh mẽ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sang tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bất ngờ tăng rất mạnh. Trước đó, xuất khẩu thủy sản suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang tháng 1/2023.
Cụ thể, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra giảm 50%; tôm giảm 46%; cá ngừ giảm 32%; riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%...
Đề cập tình hình xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023, VASEP dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho hay, nửa đầu tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này đạt 286,94 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Tin liên quan |
Năm 2022: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt hơn 53 tỷ USD |
Tuy nhiên, tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết ngày 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 742 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 2 vẫn chưa đủ đề bù đắp sự sụt giảm quá mạnh trong tháng 1/2023.
VASEP ước tính xuất khẩu thủy sản trong cả tháng 2 năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 29% so với tháng 2/2022. Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự phục hồi nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà còn tại các thị trường khác trên thế giới, khi du lịch và giao thương được thông suốt.
Sự phục hồi mà thị trường Trung Quốc mang lại đối với ngành thủy sản Việt Nam đang dần có kết quả rõ ràng. Việc Trung Quốc mở cửa thông quan đã tác động làm giá cá tra nguyên liệu tăng so với tháng trước. Ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông…
Bên cạnh đó, điều kiện cho môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn. VASEP cho rằng, lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải, vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình - vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Trước bối cảnh năm 2023, VASEP khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo "sức khỏe" tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.
Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 35,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 74,13 triệu USD, giảm 45,7% về lượng và giảm 45,4% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 34% về lượng và giảm 35% về trị giá.
Trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 29 thị trường trên thế giới, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam.
Theo đó, tháng 1/2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Hoa Kỳ đạt 7,95 nghìn tấn, trị giá 16,86 triệu USD, giảm 50,9% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng 12/2022.
Tuy nhiên, so với tháng 1/2022, con số trên đã tăng 52,1% về lượng và tăng 103,6% về trị giá, chiếm 22,45% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2023.
Về giá nhập khẩu, tháng 1/2023, giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt về Việt Nam đạt mức 2.092 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 1,6% so với tháng 1/2022.
Hoa Kỳ đang là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. (Nguồn: Winmart) |
Về chủng loại, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so tháng 1/2022.
Riêng mặt hàng thịt heo, trong tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 4,91 nghìn tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 11,57 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 66,5% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 54,1% về lượng và giảm 50,9% về trị giá; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.354 USD/tấn, giảm 3,5% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 6,9% so với tháng 1/2022.
Tháng 1/2023, Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 15 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 34,82%; Brazil chiếm 23,49% và Đức chiếm 21,52% và lượng thịt heo nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022.
| Tháng 1/2023, thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ USD; gạo hữu cơ Quảng Trị "thẳng tiến" đến châu Âu... là những tin ... |
| Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn chưa xứng tiềm năng; động đất Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng quá lớn đến xuất nhập ... |
| Các FTA "trợ lực" cho ngành dệt may; điểm danh những loại trái cây đang đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ... ... |
| Xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng trưởng vượt bậc; Nông nghiệp Việt Nam sắp có thêm mặt hàng vào "câu lạc bộ tỷ ... |
| Dự báo năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu quanh 6,3 triệu tấn gạo; nhờ EVFTA, EU tăng tốc nhập khẩu rau quả Việt Nam ... |