Hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng còn khó khăn trong những tháng tới. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Mong manh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023
Bối cảnh quốc tế không thuận đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2023. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, từ gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, cho tới thủy sản đều sụt giảm nghiêm trọng.
Thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.
Giảm mạnh nhất là các nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD” như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...
Với tình hình kinh tế toàn cầu hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng còn khó khăn trong những tháng tới, đúng như dự báo từ cuối năm 2022. Do đó, một loạt giải pháp đang được Bộ Công Thương triển khai để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, xúc tiến tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới.
“Khi các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... sụt giảm sức mua, cần tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á...”, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo.
Cùng với đó, Bộ đang hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại sang các thị trường mà hàng Việt còn nhiều triển vọng.
Cú hích quan trọng cho xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường truyền thống giảm mua hàng là Trung Quốc đã mở cửa trở lại từ đầu năm, tạo dư địa lớn cho xuất khẩu tăng tốc, nhất là với nhóm hàng nông - thủy sản và công nghiệp chế biến.
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác xúc tiến thương mại khu vực phía Bắc năm 2023, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới vẫn là chủ trương nhất quán và lâu dài cùng với việc thúc đẩy mở rộng và đa dạng hóa thị thường, vì Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu lớn và việc xuất khẩu trực tiếp qua đường bộ cũng tiết giảm được thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, ngành chức năng đang đánh giá toàn diện các biện pháp điều chỉnh chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc đến sản xuất và xuất khẩu của nước ta để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến xuất khẩu và việc có thêm những sản phẩm nông nghiệp được xuất chính ngạch, như sầu riêng, tổ yến..., xuất khẩu sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn.
Cơ hội cho chuối Việt gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD"
Cơ hội xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc rộng mở khi Nghị định thư về xuất khẩu trái chuối tươi chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 11/2022. Tức là, chuối tươi Việt Nam đã có được tấm giấy thông hành sang Trung Quốc.
Cùng với đó, một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản đã có kế hoạch tăng nhập khẩu chuối Việt Nam với khối lượng không giới hạn, miễn là các đối tác Việt Nam đáp ứng, bảo đảm chất lượng. Năm 2022, chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản, là con số rất khiêm tốn, do đó, còn nhiều dư địa để chuối tươi Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản trong những năm tới.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 31/10-4/11: Định vị tôm cá Việt Nam trên bản đồ thế giới; chuối tươi chính thức 'lên đường' sang Trung Quốc |
Đây cũng chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trồng chuối mạnh dạn đầu tư bài bản, khoa học, có tiêu chuẩn để đưa trái chuối Việt Nam xuất ngoại ngày càng tăng.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 155 nghìn ha trồng chuối với sản lượng gần 2,5 triệu tấn một năm. Hiện, cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó, Đồng Nai là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 vùng trồng và 39 cơ sở đóng gói.
Theo đó, chuối được xuất chính ngạch, với quy trình tổ chức sản xuất, bao gói được chuẩn hóa, từ đó tạo đà cho tăng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm tiếp theo. Chỉ riêng Trung Quốc chi hơn 1 tỷ USD nhập chuối mỗi năm, trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 sang thị trường này, sau Philippines.
Cũng theo Vinafruit, chuối và sản phẩm chế biến từ chuối của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh vào các thị trường Singapore, Malaysia. Sau thanh long, sầu riêng, mít, xoài thì chuối đang là trái cây xuất khẩu mạnh, mỗi năm đem về hàng trăm triệu USD.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên của Vinafruit, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa biên giới, rau quả vận chuyển bằng đường bộ sẽ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn sẽ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác.
Ông Lê Viết Bình, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: "Tuy cơ hội rộng mở nhưng vẫn có thể đóng lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta không tuân thủ các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu chuối của Việt Nam. Chúng ta không nên tăng diện trồng chuối ồ ạt mà tập trung đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, chú trọng chế biến chuyên sâu để nâng giá trị của trái chuối hướng đến đa dạng thị trường xuất khẩu".
Sụt giảm mạnh đơn hàng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam
Theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan, tháng 2, xuất khẩu của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 6,9 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch 2 tháng đầu năm lên hơn 13 tỷ USD, giảm mạnh 21%, so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là đối tác duy nhất đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên qua 2 tháng đầu năm.
Hết tháng 2, Việt Nam có 4 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (2,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,2 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (1,6 tỷ USD); dệt may (gần 2 tỷ USD).
Ngoài ra còn nhiều nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên như: giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng…
Ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ hơn 11 tỷ USD.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 124 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 109,39 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021 và chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 14,47 tỷ USD, giảm 5,2% và chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
| Nhập siêu bất ngờ giảm so với cùng kỳ, trăn trở nỗi lo về xuất nhập khẩu Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới do nhu cầu tiêu ... |
| Hải quan Trung Quốc cấp phép thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng; xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh mẽ ... là những ... |
| 'Lướt' UKVFTA, thủy sản Việt sang Anh tăng trưởng 2 con số; thiếu vắng đơn hàng, Bộ Công Thương 'gỡ khó' cho doanh nghiệp... là ... |
| Tin vui cho gạo Việt; thủy sản Việt 'đắt hàng' tại Quảng Tây (Trung Quốc); 9 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương 2 tháng ... |