Xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, ở mức 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU dành cho Việt Nam. (Nguồn: Báo Dân sinh) |
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng trưởng vượt bậc
Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2022, nhận định các thuận lợi, khó khăn và thách thức trong năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/2, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động địa - chính trị giữa các nước hay lạm phát của các nước gia tăng, nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực.
Năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định ở mức dưới 45%, gia tăng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như, gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường, chất lượng thấp.
Năm 2022, tiếp tục ghi nhận xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng mặc dù với số lượng nhỏ nhưng mang lại giá trị cao.
Về thị trường, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, ở mức 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà EU dành cho Việt Nam. Các thị trường truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, châu Phi, Cuba… Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang thị trường Philippines.
Ông Nguyễn Phúc Nam – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông cho biết, giá gạo dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia; trong đó, có cả Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Cũng theo ông Việt Anh, từ năm 2019 đến nay, khi Philippines chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo giúp xuất khẩu gạo sang thị trường này luôn tăng mạnh.
Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khươi thông nguồn vốn. Đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đang đến gần.
Với thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho biết, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/2/2023, cả nước xuất siêu 1,68 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 72 tỷ USD, giảm 11,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu gần 1,7 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kỳ 1 tháng 2/2023, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,44 tỷ USD, tăng 49% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 1/2023.
Tin liên quan |
Như vậy, tính đến hết 15/2/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 37 tỷ USD, giảm 9,2% tương ứng giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2023 đạt 12,38 tỷ USD, tăng 36,6% (tương ứng tăng 3,32 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 01/2023.
Tính đến hết 15/2/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 35,32 tỷ USD, giảm 17,9% (tương ứng giảm 7,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,68 tỷ USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới. Về phía cung, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hoá Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA; thị trường Trung Quốc mở cửa sẽ thuận lợi hơn cho xuất khẩu các sản phẩm nông, thuỷ sản cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất.
Ngành Nông nghiệp sắp có thêm mặt hàng gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD"
Sau khi xuất khẩu thức ăn gia súc và phân bón chính thức cán mốc tỷ USD, năm nay ngành nông nghiệp dự báo sẽ có thêm sản phẩm dừa gia nhập "câu lạc bộ tỷ USD" khi các doanh nghiệp thông báo nhận được hàng loạt đơn hàng lớn ngay từ đầu năm.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam - cho biết, ngành dừa hiện có gần 200 sản phẩm liên quan đến cây dừa. Chỉ trong vòng 5 năm qua, ngành dừa Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 của châu Á. Sản phẩm của ngành dừa đã đến được những thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Phần Lan ở Bắc Âu, qua đó khẳng định được thương hiệu của dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam cho hay, năm 2022 xuất khẩu các sản phẩm ngành dừa đạt kim ngạch 900 triệu USD. Bước sang năm 2023, dù bối cảnh chung khó khăn, song các doanh nghiệp trong ngành dừa cho thấy lượng đơn hàng tăng rất mạnh và giá trị rất cao. Do đó, ngành dừa tự tin trong năm nay sẽ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Việt Nam hiện có trên 175.000 ha dừa, giúp ngành này có cơ hội trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. (Nguồn: Báo Tiền Phong) |
Cũng theo ông Khoa, trước tiềm năng của ngành dừa, sắp tới Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ xây dựng thêm các Hiệp hội dừa ở nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang từng bước xây dựng những bộ tiêu chuẩn riêng, quy tắc riêng cho dừa.
Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá, xuất khẩu dừa của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành ngành hàng tỷ USD trong năm nay sau khi xuất khẩu dừa sang Mỹ đang nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu tháng 2/2023, Cơ quan Kiểm dịch Thực Động vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam. Cục đang lấy ý kiến các đơn vị để sớm thống nhất dự thảo, đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch dừa sang Mỹ trong thời gian tới.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của cả nước đạt kỷ lục 53,2 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ, sắn và sản phẩm sắn).
Năm 2022, lần đầu tiên ngành nông nghiệp có thêm 2 mặt hàng là thức ăn gia súc, nguyên liệu và phân bón cán mốc tỷ USD khi đạt giá trị lần lượt 1,13 tỷ USD và 1,08 tỷ USD.
Đối với sản phẩm dừa, Việt Nam hiện có trên 175.000 ha dừa, trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% tổng diện tích cả nước.
| EVFTA ‘chắp cánh’ cho nông sản Việt tại Bỉ Với các lợi ích từ EVFTA, nông sản Việt Nam được ưu đãi thuế quan vào thị trường Bỉ, tăng cường vị thế cạnh tranh ... |
| Việt Nam chiếm tỷ trọng chưa đến 5% thị trường Trung Quốc; dăm gỗ và viên nén gỗ được "mùa bội thu"...là những tin nổi ... |
| Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn chưa xứng tiềm năng; động đất Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng quá lớn đến xuất nhập ... |
| Các FTA "trợ lực" cho ngành dệt may; điểm danh những loại trái cây đang đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ... ... |
| Từng thu về tỷ USD, vì sao xuất khẩu cá tra sang Mỹ bất ngờ tụt dốc? Trong tháng 1, cả khối lượng và giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đều rơi về mức thấp nhất trong vòng một ... |