Trong bối cảnh nỗi lo hoa quả tẩm hóa chất đang phủ bóng khắp nơi, thông tin về những vụ mùa của nông dân khiến người tiêu dùng thực sự phấn khởi. Chỉ hai bó rau muống là mua được một kg vải, nhịn một bát phở là có một quả dưa hấu to. Hoa quả có nguồn gốc tin cậy mà giá lại rẻ, ai chẳng ham!
Tất nhiên, cái "ham" này còn xuất phát từ một động cơ khác - ủng hộ những nông dân đang xót xa vì mất giá. Trên mạng xã hội, những status như "Mua vải để ủng hộ nông dân", "Là người Việt Nam hãy ăn vải của Việt Nam" được nhiều lượt người like và chia sẻ trong nhiều ngày qua. Có Facebooker còn kêu gọi: "Ai cũng nói yêu nước, nhưng yêu nước thì phải làm thế nào nhỉ? Với mình thì việc đầu tiên cần làm lúc này là tiêu thụ vải được mùa cho người dân".
Một thực tế là đã lâu rồi, đông đảo người tiêu dùng mới lại dễ dàng mua được vải ngon với giá rẻ như thế. Và cũng một thực tế là giá vải đang tụt hoàn toàn tỷ lệ nghịch với nỗi thất vọng của nông dân Việt Nam.
Năm nay, giá vải được đánh giá cao hơn mọi năm từ 10.000-18.000 đồng/kg nhưng do giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn, xuất khẩu cũng giảm hơn so với mọi năm nên người trồng vải lao đao ở khâu tiêu thụ. Do nguồn cung lớn hơn cầu mà có những cuối chiều, mỗi kg vải chỉ còn 7.000 đồng vẫn chẳng có "thượng đế" nào đoái hoài đến...
Trả lời phỏng vấn của lãnh đạo các cơ quan chức năng có liên quan đến ngành nông nghiệp, một số người lại đổ lỗi cho nông dân là chạy theo xu hướng số đông về cây trồng, không chịu nghiên cứu thị trường để xem giá cả trong tương lai thế nào hay không tuân theo quy hoạch vùng, dẫn đến cung vượt quá cầu và đơn độc trong khâu tiêu thụ...
Câu hỏi đặt ra là quy hoạch vùng hay nghiên cứu thị trường có phải là việc của riêng nhà nông hay chính là việc của Chính phủ phải làm? Hơn ai hết, nông dân rất cần những thông tin về thị trường nông sản, thị trường tiêu thụ vải, dưa hấu... như thế nào để biết đường mà đầu tư.
Hơn một năm kể từ khi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 19/2/2013), nông dân đã thực sự được ưu tiên và các giải pháp cụ thể gỡ điểm nghẽn về đầu ra cho nông sản và thu nhập của nông dân đã được chú trọng? Về bài toán xuất khẩu, thay vì lệ thuộc vào một thị trường đến nỗi khi gặp khó thì không biết kêu ai, phương hướng mở rộng sang các thị trường khác đã được xúc tiến đến đâu?
Điệp khúc "được mùa mất giá" đang trở lại với đất nước mà 80% dân số làm nông nghiệp. Công sức cả một năm của nông dân vất vả khó nhọc mới thu hoạch được một, hai vụ. Vậy mà mỗi kg hoa quả chỉ được tính bằng cái giá vài ngàn đồng. Bao giờ câu chuyện được mùa thu hoạch trong nước mắt của nông dân mới kết thúc?
Trương Minh Hợi (Hà Đông, Hà Nội)