Iran đã trải qua nhiều thập kỷ thiếu đầu tư cho lĩnh vực năng lượng. (Nguồn: AFP) |
Iran là đất nước này nắm giữ trữ lượng khí đốt lớn thứ hai và trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, gã khổng lồ năng lượng này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu khi nhu cầu về khí đốt tự nhiên vượt xa sản lượng.
Thiếu năng lượng trầm trọng
Hãng thông tấn Iran ILNA đưa tin vào ngày 16/12 rằng, chính quyền Iran đã ra lệnh đóng cửa trường học và các văn phòng công cộng trên khắp cả nước, đồng thời, tắt đèn trên các xa lộ chính ở thủ đô Tehran và nhiều nơi khác.
Thư ký Liên đoàn các tổ chức lương thực và nông nghiệp Iran Mohsen Naqashi thông tin, yêu cầu đóng cửa kéo dài đến ngày hôm nay (20/12).
"Chỉ thị tạm thời được đưa ra khi tình trạng mất điện đang diễn ra đã làm gián đoạn sản xuất và khiến các ngành công nghiệp rơi vào trạng thái bấp bênh. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến các đơn vị sản xuất và dẫn đến tình trạng mất việc làm trên diện rộng", ông Mohsen Naqashi nói.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cũng đã kêu gọi người dân giảm nhiệt độ trung bình trong nhà xuống 2 độ C để tiết kiệm năng lượng.
Lời kêu gọi này nêu bật mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Iran.
Bên cạnh đó, nước này phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, chiếm tới 86% tổng sản lượng điện cả nước vào năm 2023.
Tình trạng thiếu khí đốt đã buộc chính quyền phải đốt mazut - một loại dầu giá rẻ và gây ô nhiễm cao - để tạo ra điện. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn trở nên trầm trọng hơn.
Vì đâu đến nỗi?
Các quan chức Iran đổ lỗi cho lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra tình trạng thiếu khí đốt.
Các lệnh trừng phạt - nhằm hạn chế các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Tehran - đã nhắm vào xuất khẩu dầu mỏ, ngân hàng cùng nhiều lĩnh vực khác, cản trở phát triển mỏ khí đốt, xây dựng nhà máy điện... thực sự làm tê liệt nền kinh tế của đất nước này.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy, Iran đã kiếm được 144 tỷ USD từ doanh thu dầu mỏ trong ba năm đầu tiên (từ năm 2020-2023) khi ông Joe Biden lên nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bà Arezoo Karimi, một nhà báo chuyên viết về nền kinh tế Iran cho trang IranWire lập luận rằng: "Phần lớn thu nhập từ dầu mỏ của Iran thoát khỏi sự giám sát của quốc tế nhưng thực tế, có hàng tỷ USD đã được sử dụng trong những lĩnh vực khác, thay vì cơ sở hạ tầng trong nước".
Các quan chức Iran cũng cho biết, đất nước này cần hàng tỷ USD đầu tư mới để hiện đại hóa ngành dầu khí.
Omid Shokri, một nhà phân tích năng lượng tại Gulf State Analytics (GSA) có trụ sở tại Washington, một công ty tư vấn nhận thấy, các công ty nước ngoài khó có thể tăng đầu tư cho đến khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Ông chỉ rõ: "Iran phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên lên tới 350 triệu mét khối, thiếu hụt điện 20 gigawatt và mức tiêu thụ xăng tăng vọt là 15 triệu lít mỗi ngày. Cuộc khủng hoảng năng lượng này là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc cách mạng năm 1979".
Iran cần hàng tỷ USD đầu tư mới để hiện đại hóa ngành dầu khí. (Nguồn: IntelIiNews) |
Quá phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên
Trong khi các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đa dạng nguồn cung năng lượng, cân bằng giữa than, khí đốt tự nhiên, dầu và năng lượng tái tạo thì Iran lại phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên.
Chuyên gia năng lượng Hossein Mirafzali cho rằng, Iran có hệ thống đường ống dẫn khí đốt hàng đầu thế giới. Hơn 95% hộ gia đình của đất nước được kết nối với đường ống dẫn khí đốt - điều mà các nhà phân tích cho là sai lầm.
Vị chuyên gia này nêu bật hậu quả: "Iran đã lắp đặt 430.000 km đường ống dẫn khí đốt để cung cấp khí đốt cho cả những ngôi làng xa xôi nhất. Đất nước ưu tiên sử dụng cho mục đích dân dụng hơn là cung cấp cho mục đích công nghiệp. Điều này đã gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Tình trạng thiếu khí đốt đã buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế".
Sự phụ thuộc của Iran vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt cũng khiến họ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về môi trường khi bị xếp hạng là một trong những nước đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải nhà kính toàn cầu, với mức độ ô nhiễm không tương xứng với sản lượng kinh tế.
Cần thêm 13 tỷ USD mỗi năm
Các nhà phân tích dự đoán rằng, không có giải pháp tức thời để giải quyết vấn đề năng lượng ở Iran và có thể, nước này buộc phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Và Turkmenistan là lựa chọn khả thi nhất. Tuy nhiên, diễn biến này nhấn mạnh một nghịch lý: Vì sao một quốc gia được ban tặng trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ lại có thể trở thành nước nhập khẩu năng lượng?
Iran đã trải qua nhiều thập kỷ thiếu đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào dầu khí và các ưu tiên chính trị trong nước không đặt trọng tâm cho năng lượng.
Khi đất nước đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và áp lực kinh tế gia tăng, trang DW nhận định, việc giải quyết những thách thức mang tính hệ thống nói trên sẽ đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản về chiến lược và quản trị.
Trong nước, các quan chức Bộ Dầu mỏ Iran ước tính, để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt và phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ cần khoản đầu tư hàng năm là 13 tỷ USD trong 8 năm tới.
Đây quả là một con số không khả thi!