📞

‘Đường cao tốc’ đưa hàng Việt vào EU

Trần Liễu 08:00 | 29/10/2023
Hơn ba năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành “điểm sáng” trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).
Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên, giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT.

Tuy nhiên, thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường liên minh 27 quốc gia thành viên mới chỉ chiếm khoảng 2%. Còn nhiều vấn đề đặt ra để doanh nghiệp tận dụng lợi thế của Hiệp định, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường cao cấp, khó tính nhưng vô cùng tiềm năng này.

Báo Thế giới & Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên, giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT về chủ đề trên.

Ba năm trước, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết, người ta cho rằng đây là “đường cao tốc” để hàng Việt chinh phục thị trường EU vốn khó tính nhưng vô cùng tiềm năng. Đến nay, ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?

Sau ba năm, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định, với mức 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022. Tuy nhiên, thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường EU chỉ chiếm khoảng 2%.

Giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động xuất khẩu vẫn còn hạn chế do thương hiệu Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi tại các nước châu Âu. Mặc dù một số doanh nghiệp đã tham gia vào việc chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang EU, nhưng hầu hết vẫn chỉ là gia công hàng hóa cho các đối tác nước ngoài.

Châu Âu là thị trường khó tính với tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận cần phải có nỗ lực thay đổi, thích ứng và được hỗ trợ từ các cơ quan quản lý. Lợi thế từ EVFTA sẽ trở nên ít quan trọng hơn khi các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan đang tiến tới ký kết FTA với EU.

Là chuyên gia về lĩnh vực này, theo ông, EVFTA đã góp phần mang lại những thành quả nổi bật như thế nào cho tăng trưởng GDP nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam vào EU?

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 cản trở sự phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, khiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ đạt mức 2,6%.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU năm 2021 đạt 40,12 tỷ USD, tăng trưởng 14,2%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế khu vực EU đang gặp phải sự suy giảm nghiêm trọng và vẫn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch.

Trong năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vượt qua con số 8% lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Không thể phủ nhận những thành quả từ quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng trên là so với mức nền thấp của năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU năm 2022 đã cán mức 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước đó và góp phần vào sự tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động không ổn như lạm phát khiến tổng GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch xuất khẩu vào EU đạt hơn 10,4 tỷ USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2023, đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự đồng lòng từ các địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp.

EVFTA bao trùm nhiều lĩnh vực hàng hóa với lộ trình ưu đãi thuế quan được cho là mang lại lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Theo ông, những mặt hàng nào của nước ta tận dụng được tương đối những ưu đãi đó?

Thời gian qua, có nhiều mặt hàng khá thành công trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm vào thị trường EU như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, cà phê, sắt thép và hải sản.

Hầu hết các mặt hàng này đã có mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là sắt thép với mức tăng trưởng vượt hơn 634% trong năm 2022 so với năm 2020 - thời điểm chưa có hiệp định.

Còn mặt hàng nào chưa được như kỳ vọng, thưa ông?

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng như rau củ quả, thủy sản và gạo… Mặc dù có mức tăng trưởng khá tốt, nhưng những mặt hàng này hiện tại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của EU đối với các mặt hàng đó.

Thủy sản vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU từ Ủy ban châu Âu (EC), dẫn đến khó khăn nhiều mặt cho mặt hàng này, do đó, vẫn còn dư địa lớn để Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Ngoài ra, có một số mặt hàng chưa có dấu hiệu tăng trưởng sau khi Hiệp định được thực thi, chẳng hạn như giấy và các sản phẩm từ giấy cùng với hạt điều.

Lễ phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA tại Gia Lai, ngày 16/9/2020. (Nguồn: TTXVN)

Với những kết quả đó, theo ông, bài học quý giá nhất mà doanh nghiệp Việt Nam nhận được là gì?

Để đạt được những kết quả tốt hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cao mà EU yêu cầu.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần cải thiện quy trình quản lý, áp dụng các công nghệ mới và tăng cường khả năng đào tạo và phát triển nhân lực để thích ứng với một thị trường khó tính như EU.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng đối tác và khách hàng mới, đa dạng hóa nguồn tiêu thụ và giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa và quy tắc nguồn gốc, an toàn thực phẩm hay bị cạnh tranh. Vậy theo ông, doanh nghiệp nước ta cần làm gì để khắc phục?

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định EVFTA.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ nhanh chóng, xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu từ thị trường 500 triệu dân này.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội, bởi đây sẽ là yếu tố trợ lực cần thiết để việc tận dụng các cam kết hội nhập của doanh nghiệp được hiệu quả, an toàn và bền vững hơn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt được sự tự chủ trong việc tìm hiểu và tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định. Theo khảo sát nhận thức của doanh nghiệp đối với EVFTA từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù gần 94% doanh nghiệp đã nghe nói hoặc biết về EVFTA, nhưng chỉ khoảng 40% trong số đó hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về cam kết của Hiệp định này đối với hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, nhóm doanh nghiệp FDI có tỷ lệ hiểu khá rõ hoặc rõ về EVFTA cao nhất (43%).

Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết lợi thế từ hiệp định này để mở rộng tiêu thụ sang các quốc gia thành viên khác. Trong 27 quốc gia thành viên của EU, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ giao thương chủ yếu với 5-6 quốc gia, trong khi giao thương với các quốc gia khác vẫn còn rất ít.

Ông đánh giá thế nào về vai trò và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đưa Hiệp định tới gần hơn với doanh nghiệp và biến nó thực sự hữu ích với xuất khẩu Việt Nam?

So với các FTA khác, EVFTA được các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền và phổ biến tốt hơn, đa dạng và hiệu quả hơn tới các doanh nghiệp. Theo khảo sát nhận thức doanh nghiệp đối với EVFTA của VCCI thực hiện từ tháng 5/2022 đến hết tháng 8/2022, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác. Ngoài ra, gần 41% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA trong khi con số này chỉ gần 25% vào năm 2020.

Tuy nhiên, hiện tại, các biện pháp hỗ trợ mới chỉ áp dụng chung cho tất cả các ngành và các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung cụ thể vào các ngành có mặt hàng chiến lược để tận dụng mọi lợi ích từ Hiệp định này.

Đồng thời, cần tạo kết nối giữa tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình thực thi EVFTA, bao gồm các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội nhằm hình thành một chuỗi có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, cần xem xét và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vì nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực này.

(thực hiện)