📞

Đường nào cho nông sản Việt Nam vào Áo, nẻo nào cho công nghệ Áo vào Việt Nam?

Phương Hằng 07:15 | 23/07/2023
Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có chuyến thăm chính thức Áo, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên đã chia sẻ về bức tranh hợp tác kinh tế rất nhiều cơ hội giữa hai nước.

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng?

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Ngài Alexander Van der Bellen, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo từ ngày 23-25/7.

Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên. (Ảnh: PA)

Kể từ năm 2008 đến nay, tức là 15 năm sau chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nước Áo lại đón một nguyên thủ của Việt Nam đến thăm. Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chọn Áo là nước châu Âu đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài lần thứ hai (sau Lào) của thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch nước cho quan hệ song phương Việt Nam – Áo, đặc biệt sau khi hai nước đã có một loạt hoạt động đầy ý nghĩa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1972-2022) mà nổi bật nhất là chuyến thăm Áo của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cuối 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Schallenberg và đoàn doanh nghiệp Áo đầu năm 2023.

Nhịp độ trao đổi đoàn cấp cao dày dặn như vậy cùng với chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ toàn diện và hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Trong bối cảnh Mỹ ném bom ác liệt ở miền Bắc Việt Nam, Áo là một trong những nước đi đầu ở châu Âu công nhận Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trước khi Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam được ký kết.

Khoảng thời gian này là mùa Hè ở châu Âu, các hoạt động chính trị diễn ra chưa nhiều, tuy vậy, thủ đô Vienna vẫn đón các đoàn cấp cao tới thăm. Tại Vienna, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống, làm việc với Chủ tịch Thượng viện Áo, gặp Thủ hiến bang kiêm Thị trưởng thủ đô Vienna.

Sau hoạt động chính thức tại thủ đô, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có chuyến thăm Burgenland và làm việc với Thống đốc bang Burgenland. Dù là một bang nhỏ nhưng Burgenland có nền nông nghiệp và năng lượng sạch rất mạnh.

Mặc dù ở thăm Áo không dài nhưng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn dành thời gian thăm trụ sở của Liên hợp quốc tại Vienna; làm việc với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Ủy ban Pháp luật Thương mại quốc tế (UNCILTRAL). Điều này thể hiện tầm quan trọng của ngoại giao đa phương Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chọn Áo là nước châu Âu đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài lần thứ hai (sau Lào) của thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch nước cho quan hệ song phương Việt Nam-Áo, đặc biệt sau khi hai nước đã có một loạt hoạt động đầy ý nghĩa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1972-2022).

Đại sứ có thể bật mí những thỏa thuận quan trọng được ký kết nhân dịp này?

Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước ta và Tổng thống Áo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước sẽ ký kết thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác trong ngành ngoại giao, trong đó có tập trung về tham vấn chính trị, trao đổi các quan điểm hợp tác, ủng hộ lẫn nhau, đồng thời có đẩy mạnh khâu về đào tạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo của UNCITRAL cũng sẽ ký kết văn kiện hợp tác.

Tôi hy vọng trong chuyến thăm tới châu Âu lần này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ cảm nhận được những thành tựu của quan hệ Việt Nam-Áo vốn đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp. Đây cũng là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước trao đổi trực tiếp và thẳng thắn những chủ đề trong quan hệ quốc tế và khu vực. Tôi tin tưởng, chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ thành công tốt đẹp.

Thưa Đại sứ, Việt Nam hiện nay xuất siêu sang Áo, làm thế nào để Việt Nam tăng nhập khẩu từ Áo, đặc biệt là những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao mà Áo có thế mạnh, từ đó thúc đẩy xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh ở Việt Nam?

Từ nhiều năm nay, Áo luôn đứng trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Trao đổi thương mại năm 2021 đạt 3,36 tỷ USD, năm 2022 giảm nhẹ còn 2,8 tỷ USD do những tác động về chính trị và kinh tế ở châu Âu và toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tư của Áo vào Việt Nam còn khiêm tốn. Áo hiện đứng thứ 41/108 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 43 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 148,59 triệu USD.

Tôi cho rằng, hai bên còn rất nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Áo có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như chế tạo máy, công nghệ cao, năng lượng, thương mại điện tử… Hai bên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh.

Việt Nam xuất siêu sang Áo chủ yếu là hàng điện tử. Nếu nhìn sâu vấn đề này có một điều rất thú vị, đó là Áo không phải là nước sử dụng các sản phẩm điện tử như điện thoại, máy tính nhập từ Việt Nam sang mà là nước phân phối lại các mặt hàng này trên thị trường thế giới và châu Âu. Như vậy, thông qua Áo, các thiết bị điện tử từ các hãng như Samsung, Intel sản xuất từ Việt Nam đến được với rất nhiều thị trường.

Chính bởi lẽ đó, từ sâu xa bên trong họ không buồn lòng về chuyện mất cán cân thương mại này. Rõ ràng, họ nhập các sản phẩm của Việt Nam không phải mang về dùng, mà họ buôn bán trên thị trường quốc tế và họ hưởng một phần lợi nhuận từ hoạt động thương mại đó.

Có thể thấy kim ngạch thương mại của Việt Nam với Áo hiện nay khá lành mạnh và điều chúng ta muốn đẩy mạnh hơn nữa là xuất khẩu nông sản và đẩy nhập khẩu công nghệ mới của Áo để giúp các ngành sản xuất trong nước Việt Nam phát triển hơn nữa, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng. Nếu như chúng ta trước đây chỉ xuất thô, xuất nguyên liệu thì bây giờ cần hàm lượng công nghệ từ Áo để nâng cấp các sản phẩm trong nước, xuất khẩu những sản phẩm cuối, mang lại nhiều lợi nhuận cho Việt Nam hơn nữa. Đây chính là ưu tiên thúc đẩy hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Áo. Một lĩnh vực mong muốn thúc đẩy lâu dài khác giữa hai nước là thúc đẩy hợp tác giữa địa phương, điều này sẽ mang lại những thành quả cụ thể từ doanh nghiệp.

Điều chúng ta muốn đẩy mạnh hơn nữa là xuất khẩu nông sản và đẩy nhập khẩu công nghệ mới của Áo để giúp các cái ngành sản xuất trong nước Việt Nam phát triển hơn nữa, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng.

Tôi được biết, sắp tới Bộ Kinh tế và Lao động Áo sẽ trình Chính phủ Áo nghị quyết về việc trình Quốc hội Áo phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Đây là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp hai nước và tôi hy vọng rằng Hiệp định này sớm được Quốc hội tất cả các nước thành viên EU thông qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hợp tác đầu tư song phương, bên cạnh việc tiếp tục khai thác tối đa những tác động tích cực mà EVFTA mang lại.

Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Áo sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Áo tổ chức một số chương trình gặp mặt doanh nghiệp và hội thảo về kinh tế để thảo luận về những biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, trong đó sẽ có phần thảo luận về chênh lệch cán cân thương mại Việt Nam-Áo.

Các mặt hàng hoa quả Việt Nam đang dần chinh phục thị trường châu Âu vốn khá “khó tính”, với thị trường Áo, Đại sứ có kế hoạch như thế nào để các loại hoa quả đặc sản của Việt Nam có thể phát triển ở thị trường này?

Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều loại hoa thơm quả ngọt. Các sản phẩm nông nghiệp nói chung và hoa quả nói riêng của Việt Nam có chất lượng không thua kém, thậm chí còn ngon hơn một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên điểm yếu của ngành nông nghiệp nước ta nằm ở khâu chế biến. Nhiều loại quả như xoài, vải hay na không được xử lý khéo nên không bảo quản được lâu, chất lượng chưa đồng đều nên tỷ lệ hỏng rất cao. Đây cũng là điều tôi trăn trở rất lâu kể từ khi vào ngành ngoại giao. Sắp tới Đại sứ quán sẽ thí điểm tổ chức một chương trình du lịch doanh nghiệp nhằm đưa các đoàn doanh nghiệp của Việt Nam thăm Áo theo một chủ đề nhất định và thành phần tham gia hạn chế để bảo đảm hiệu quả và chi phí cho cả hai bên, dự kiến bắt đầu với lĩnh vực nông nghiệp.

Làm sao để đưa sang Áo những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng nhất, đa dạng thể loại như vải tươi, vải đóng hộp, “gài” vào các sản phẩm khác như chocolate. (Ảnh: Hải An)

Có thể nói rằng dân số nước Áo không lớn với 9 triệu dân thôi nhưng Việt Nam một mặt phải cạnh tranh với nông sản của rất nhiều nước đến Áo và kể cả cạnh tranh mạnh thì mức tiêu thụ của Áo cũng không nhiều. Cho nên với Áo, một mặt chúng ta cần phải tiếp tục vào thị trường Áo. Nhưng cũng cần đặt Áo trong bối cảnh của cả châu Âu, khi EVFTA giúp Việt Nam có thể xem châu Âu như một thị trường thống nhất. Việc nghiên cứu thị hiếu, hệ thống pháp luật, các kênh phân phối của Áo có thể giúp Việt Nam có chiến lược dài hơi đưa nông sản nói chung và hoa quả nói riêng, kể cả hoa quả đã chế biến và hoa quả tươi vào Áo trong bối cảnh của cả châu Âu. Việt Nam có thể khai thác những cảng lớn của châu Âu như Rotterdam, Hamburg và sắp tới là cảng Koper của Slovenia.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến hệ thống logistics để làm bến đỗ cho sản phẩm của Việt Nam trước khi có kênh phân phối để bảo đảm về chất lượng, giữ vững uy tín. Ví dụ như quả vải, làm sao để đưa sang Áo những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng nhất, đa dạng thể loại như vải tươi, vải đóng hộp, “gài” vào các sản phẩm khác như chocolate… Áo là một trong những thị trường khó tính và sáng tạo, điều này sẽ giúp cho ta có được những đối tác, đầu mối tốt để mà đưa nông sản vào.

Áo là một trong những thị trường khó tính và sáng tạo, điều này sẽ giúp cho ta có được những đối tác, đầu mối tốt để mà đưa nông sản vào.

Đại sứ quán đang cố gắng cùng doanh nghiệp vươn mình theo hướng đó, không phải chỉ bán sản phẩm thô bởi sản phẩm thô thường phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ khi nhiều, khi ít… Cái đích cuối cùng vẫn là đưa nông sản Việt Nam vươn tới thị trường châu Âu, thu được nhiều lợi ích nhất chứ không phải chỉ bán nguyên liệu.

Áo là một trong những nước đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi. Ví dụ chúng ta có thế mạnh về cà phê, ngành cà phê của Việt Nam hàng đầu thế giới, thế nhưng mà chúng ta chỉ bán hạt. Sẽ đến lúc chúng ta cần bán cà phê bột, cà phê rang xay, bánh có hương vị cà phê, các loại nước uống, rồi từ phụ phẩm cà phê có thể chế biến ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như giấy làm từ vỏ cây cà phê, trà cà phê… Có như vậy sản phẩm của chúng ta mới toàn diện và mang tính tuần hoàn.

Xin cảm ơn Đại sứ!