Các nhà điều tra quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc, điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 vào tháng 1/2021. (Nguồn: Reuters) |
Đây là cảnh báo của các nhà khoa học được Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ nghiên cứu nguồn gốc đại dịch này.
Dựa trên kết quả nghiên cứu của một đoàn đi thực địa hồi tháng Giêng tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, một báo cáo ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết luận rằng, virus SARS-CoV-2 có thể đã truyền từ dơi sang người thông qua một động vật trung gian.
Cũng có một giả thuyết khác cho rằng, virus có thể bị lọt ra ngoài từ một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu virus ở Vũ Hán, nhưng giả thuyết này được coi là "cực kỳ thiếu chắc chắn" trong khi Trung Quốc liên tục bác bỏ, cho rằng "vô cùng bất khả thi".
Tuy nhiên, trong bài bình luận trên tạp chí Nature, các nhà khoa học nói rằng, chuyến đi thực địa chỉ là "bước đầu tiên trong một quá trình đi vào bế tắc", "cánh cửa dẫn cuộc điều tra quan trọng này đến cơ hội có thể tìm ra nguyên nhân đang nhanh chóng đóng lại".
Việc lần theo dấu vết sinh học để trở lại nơi phát bệnh sớm nhất đã trở nên khó khăn do các bằng chứng biến mất hoặc bị hư, hỏng.
Mặc dù các nhà điều tra của WHO đã đề nghị tiến hành khảo sát giai đoạn hai để bổ sung các dữ liệu còn thiếu, nhưng Trung Quốc đã từ chối, cho rằng cuộc điều tra hồi tháng 1 là đủ và việc yêu cầu cung cấp thêm dữ liệu đã mang màu sắc chính trị, không còn là khoa học nữa.
Bắc Kinh tiếp tục chỉ trích những nỗ lực "chính trị hóa" nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, đồng thời yêu cầu WHO điều tra về phòng thí nghiệm Fort Detrick của Mỹ.
Trong khi đó, ngày 25/8, một báo cáo của tình báo Mỹ đánh giá về nguồn gốc đại dịch theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được trình lên Nhà Trắng.
Tuy nhiên, Washington Post đưa tin, các tác giả vẫn không có kết luận rõ ràng để giải đáp câu hỏi liệu mầm bệnh này đã "nhảy" từ động vật sang người theo một quá trình tự nhiên, hay "thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc".