📞

Duyên nghiệp với văn hóa dân tộc

08:37 | 23/08/2015
Tại nhà riêng của Đại sứ Vũ Đức Tâm trong con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám râm ran tiếng ve ngày hè, ông chia sẻ cùng tôi những kỷ niệm khó quên trong hoạt động quảng bá văn hóa...
Đại sứ Vũ Đức Tâm (bên trái) tại Trụ sở UNESCO sáng 25/11/2005.

Kế hoạch gấp rút

Nhận nhiệm vụ Đại sứ thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhiệm kỳ 2003-2006 đúng lúc Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (11/2003), Đại sứ Vũ Đức Tâm nảy ra ý tưởng mời nghệ nhân trong nước sang biểu diễn dịp Tết Giáp Thân 2004.

Để thực hiện chương trình đặc biệt này, ông Tâm cho rằng cần có một chuyên gia có thể giới thiệu âm nhạc dân tộc bằng tiếng Pháp cho công chúng. Đại sứ tìm đến GS. Trần Văn Khê. Không ngờ, Giáo sư nhiệt liệt ủng hộ và “hủy hết lịch để tham gia chương trình vì cái tâm dành cho đất nước”.

Thời gian gấp rút, vị Đại sứ khẩn trương xây dựng một Ban tổ chức “xuyên châu lục” (Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, GS. Trần Văn Khê, Hội người Việt Nam tại Pháp, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế). Ý tưởng của Đại sứ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị đánh giá cao, nhưng ông cho biết Bộ chưa thể huy động được kinh phí ngay. Đoán trước tình huống này, Đại sứ Tâm chủ động kêu gọi Thừa Thiên Huế và Hội người Việt Nam tại Pháp hỗ trợ. Sau khi phân tích về cơ hội “mang chuông đi đánh xứ người”, Đại sứ Vũ Đức Tâm đã dàn xếp thành công vấn đề “đầu tiên”. Bên cạnh sự góp sức của Thừa Thiên Huế, Hội người Việt Nam đảm trách hậu cần tại chỗ. Giải quyết xong việc này, Ban tổ chức mới quay ra lo kịch bản, hội trường, quảng cáo và khách mời.

“Chuyện lạ” ở UNESCO

Đúng mồng 9 Tết, đoàn nghệ nhân Huế có mặt tại Trụ sở UNESCO. Đặc biệt trong số đó có nghệ nhân Trần Kích, 92 tuổi. Buổi biểu diễn nhanh chóng được bắt đầu với phần dẫn chương trình do Đại sứ Vũ Đức Tâm đảm nhiệm, GS. Trần Văn Khê là Cố vấn đặc biệt.

Hội trường 1.500 ghế của UNESCO không còn chỗ trống. MC Vũ Đức Tâm giới thiệu: “Hôm nay, Giáo sư Trần Văn Khê sẽ hướng dẫn các bạn dạo chơi trong thế giới Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam”. Từ đó, trước mỗi tiết mục, Giáo sư chỉ dành ra hai, ba phút để giới thiệu một cách dễ hiểu và hấp dẫn. Khán giả say sưa thưởng thức “Tam luân cửu chuyển cầu cho quốc thái dân an”, “Trình tường tập khánh”, các điệu Mã vũ, Du xuân…; điệu múa “Lân mẫu xuất lân nhi”, “Lục cúng hoa đăng”… Tiếng vỗ tay vang dội kéo dài khi buổi diễn kết thúc.

Ở UNESCO, thông thường sau chương trình biểu diễn, khán giả thường ra về ngay. Nhưng lần này, một cuộc giao lưu cởi mở và thân tình giữa nghệ sĩ và người xem đã diễn ra ngoài dự kiến. Đại sứ Tâm kể: “Các bạn Tây tới xem, sờ lên đàn này, kèn kia và thích thú khi được các nghệ nhân hướng dẫn sử dụng”.

Sau Paris, đoàn tiếp tục lưu diễn ở Lyon, Marseille và Brussels (Bỉ). Nhà hát Villeurbane (Lyon) với gần 1.000 chỗ, Rạp Saint Michel (Bỉ) hơn 1.500 ghế đều được kín chỗ.

Từ thành công đó, sau này, Đại sứ Vũ Đức Tâm lại tổ chức biểu diễn Cồng chiêng Tây Nguyên tại châu Âu.

Đích thân tấu trống chèo...

Câu chuyện trên đã diễn ra mới hơn chục năm. Nhưng duyên nghiệp với văn hóa dân tộc đến với Đại sứ Vũ Đức Tâm từ hơn ba thập kỷ trước. Năm 1986, khi làm việc tại trụ sở Tổ chức Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật (ACCT), tiền thân của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) ở Pháp, ông biết đến Festival thường niên của tổ chức này nhưng khi đó Việt Nam chưa có điều kiện tham dự. Ông quyết định thành lập đoàn nghệ sĩ Việt tại Pháp đại diện cho Việt Nam.

Được ủng hộ từ trong nước và hưởng ứng của Hội người Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Tâm tiếp xúc với các nghệ sĩ Kim Chính, Bảy Quy, nhà nghiên cứu âm nhạc Trương Tăng để thuyết phục tham gia đoàn… Thời gian ấy, dù bận thế nào ông đều đến xem mọi người tập luyện, có hôm khuya quá còn trực tiếp lái xe đưa một số người ở xa về nhà.

Đến cận ngày diễn thì nghệ nhân đánh trống bất ngờ… ốm, mà chèo thì không thể thiếu trống. Thế là Đại sứ Tâm xung phong: “Để tôi thử!”. Lúc đầu tiếng trống còn ngập ngừng nhưng sau đó thì chuyên nghiệp đến mức nghệ sĩ Kim Chính nói luôn: “Được, còn hay hơn ông kia”. Thế là nhà ngoại giao trở thành tay trống bất đắc dĩ trong gánh chèo. Lúc diễn trích đoạn “Xúy vân giả dại”, bị Xúy Vân ném cành lá vào mặt nhưng “nghệ sĩ” vẫn bình tĩnh biểu diễn. “Lúc giải lao, các bạn châu Phi hỏi tôi làm nghề bao lâu rồi và đề nghị tổ chức một buổi hòa nhịp trống Việt Nam và châu Phi. Tôi chỉ biết cười”, Đại sứ Tâm nhớ lại.

Chuyện nghề, chuyện nghiệp thật khó có thể nói hết trong một cuộc gặp gỡ, chỉ biết rằng với nhà ngoại giao có tâm hồn nghệ sĩ này, đó là quãng đời mà ông đã sống và làm việc với toàn bộ tâm huyết.

Nguyên Bảo (ghi)