📞

ECMO-‘vũ khí cuối cùng’ cứu sống bệnh nhân Covid-19

Thu Hiền 13:13 | 13/09/2021
Việc sử dụng kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO) có thể cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh tưởng như vô phương cứu chữa. Với các bệnh nhân Covid-19, ECMO cũng đã và đang làm nên nhiều điều kỳ diệu.
Một bệnh nhân Covid-19 được sử dụng kỹ thuật ECMO. (Nguồn: CAND)

ECMO là gì?

Theo bác sỹ Lê Mạnh Trường, thuộc đơn nguyên Covid-19, bệnh viện Đa khoa Đức Giang, ECMO là kỹ thuật hồi sức được áp dụng nhằm thay thế một phần hay hoàn toàn chức năng của phổi và (hoặc) chức năng tim khi chức năng của những cơ quan này bị suy giảm nghiêm trọng mà không đáp ứng với các biện pháp điều trị thường quy.

Mặc dù ý tưởng về một biện pháp hồi sức nhằm thay thế chức năng phổi và (hoặc) tim đã được nghiên cứu từ rất lâu và bắt đầu áp dụng trong phòng thí nghiệm từ những năm 50 của thế kỷ XX. Ca bệnh đầu tiên được áp dụng thành công kỹ thuật này là vào năm 1971. Tuy nhiên do những hạn chế về mặt kỹ thuật cũng như những hiểu biết về sinh bệnh học mà trải qua một thời kỳ rất dài sau đó kỹ thuật ECMO không được phát triển.

Sau đại dịch cúm A H1N1 năm 2009, kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng kỹ thuật ECMO đã giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong của bệnh nhân viêm phổi nặng, từ đó kỹ thuật này được áp dụng rộng rãi tại rất nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu trên toàn thế giới. Đến nay, nhiều trung tâm hồi sức đã chấp nhận và đưa ra khuyến cáo sử dụng kỹ thuật ECMO trong điều trị bệnh nhân viêm phổi nặng.

Theo bác sỹ Lê Mạnh Trường, cho đến nay vai trò của kỹ thuật ECMO trong điều trị bệnh nhân viêm phổi nặng đã được khẳng định rõ, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân viêm phổi nặng đều cần áp dụng kỹ thuật này. Bởi vì, đây là kỹ thuật can thiệp xâm lấn có nguy cơ gây ra các biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nên việc chỉ định áp dụng kỹ thuật này cần phải cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trước khi tiến hành can thiệp.

Chỉ định đối với bệnh nhân Covid-19

Hiện nay chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân Covid-19. Các biện pháp điều trị đang áp dụng có vai trò hỗ trợ người bệnh vượt qua giai đoạn bệnh tật tấn công và chờ đợi miễn dịch của cơ thể hình thành để có thể khống chế virus.

Do vậy, các biện pháp điều trị hỗ trợ là rất quan trọng đối với các bệnh nhân Covid-19. Một trong các biện pháp hỗ trợ quan trọng nhất đó là hỗ trợ suy hô hấp khi bệnh diễn biến nặng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố một phác đồ điều trị tạm thời Covid-19 đồng thời vẫn đang tiếp tục hiệu chỉnh dựa trên các nghiên cứu mới và các báo cáo từ nhiều trung tâm đang điều trị cho người bệnh.

Đối với kỹ thuật ECMO, tài liệu hướng dẫn của WHO có nhấn mạnh: "Xem xét chuyển bệnh nhân bị suy hô hấp nặng mặc dù đã được áp dụng chiến lược thông khí bảo vệ phổi, đến các cơ sở có thể triển khai ECMO cho bệnh nhân".

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đã xuất bản hướng dẫn điều trị lâm sàng bệnh nhân Covid-19 suy hô hấp nặng. Hướng dẫn này có nêu rõ: “Nếu cơ sở có đủ chuyên môn, ECMO nên được chỉ định trong việc hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp suy hô hấp nặng”.

Tạo ra "phép màu"

Kỹ thuật ECMO đã và đang được áp dụng điều trị các bệnh nhân Covid-19 “thập tử nhất sinh”. Một trường hợp điển hình được điều trị bằng ECMO là phi công người Anh (bệnh nhân 91).

Bệnh nhân đặc biệt này đã rất nhiều lần chạm đến “cửa tử”. Trong 58 ngày chạy ECMO, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh đã thay 7 màng ECMO cho bệnh nhân 91. Đây được coi là trường hợp đặc biệt của y văn thế giới. Để giành lại sự sống cho bệnh nhân đặc biệt này, các bác sỹ đã phải có những đêm thức trắng xem nên dùng thuốc nào và tiến hành thay màng ECMO để bệnh nhân không ngưng tim.

"Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phải cân nhắc, chi li kỹ lưỡng để bệnh nhân không tử vong. Có nhiều ngày căng thẳng suốt từ sáng đến đêm", PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Mới đây, Nam bệnh nhân 61 tuổi, mắc Covid-19, ở Bắc Ninh cũng vừa được xuất viện sau 74 ngày điều trị tích cực với 15 lần lọc máu, 2 tháng thở máy và 38 ngày chạy ECMO tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Từ ngày 30/5, trong quá trình phải can thiệp tích cực, bệnh nhân luôn trong tình trạng nguy kịch, độ bão hòa oxy máu thường xuyên thấp dưới 90% dù duy trì song song ECMO, thở máy, lọc máu hấp phụ độc tố. Hệ thống ECMO được duy trì 38 ngày với 2 lần thay màng lọc, tổng sử dụng 3 bộ quả ECMO.

Ngày 13/8, sau 74 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn về sức khỏe, được xuất viện về theo dõi tại nhà.

Đầu tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công sáng tạo trong kỹ thuật ECMO, khi cho hai bệnh nhân cùng chạy một máy, cứu sống sản phụ Covid-19 nguy kịch. Với sáng tạo thành công này, các y bác sỹ hi vọng sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng cần đến kỹ thuật oxy hóa máu qua màng cơ thể.

Nguồn lực về các trang thiết bị hiện đại điều trị Covid-19 của đất nước còn rất hạn chế, nhưng việc không ngừng sáng tạo là yếu tố đã giúp các bác sỹ Việt Nam làm nên những điều kỳ diệu, đặc biệt chưa từng có trong lịch sử sử dụng ECMO.

(tổng hợp)