Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "The Economist" (Anh) ngày 3/9 nhận định, Việt Nam đang triển khai những giải pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy du lịch, đưa ngành này trở thành một trụ cột ngày càng quan trọng của nền kinh tế.
Ảnh minh họa: Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn. (Nguồn: baoquangninh) |
Tuy nhiên, EIU cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nếu muốn nổi lên như một đối thủ cạnh tranh thực sự với nước láng giềng Thái Lan trong lĩnh vực du lịch.
Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây. Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn, từ những thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử như Hà Nội, Huế... đến thị trường sôi động ở thành phố Hồ Chí Minh, từ vùng núi Sapa đến những bãi biển đẹp ở Nha Trang, Đà Nẵng... Sáng kiến miễn thị thực du lịch cho công dân Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy cũng góp phần tăng số lượng du khách nước ngoài. Sáng kiến này sẽ được triển khai đến giữa năm 2017.
Tháng 8/2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ sẽ triển khai hệ thống thị thực điện tử từ năm 2017 nhằm hỗ trợ ngành du lịch phát triển.
Mục tiêu của ngành du lịch là đạt doanh thu 20 tỷ USD vào năm 2020, chiếm từ 10-12% GDP. Rõ ràng, ngành du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng để hoàn thành mục tiêu này. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã thu hút 5,6 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015.
Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng được kỳ vọng tăng lên 15 triệu lượt vào cuối thập niên, giúp tạo thêm 3,5 triệu việc làm. Việc đưa vào vận hành nhà ga quốc tế tại sân bay Nội Bài cùng với những cây cầu mới bắc qua sông Hồng giúp giảm một nửa thời gian đi vào nội thành Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách.
Tuy nhiên, theo EIU, Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có thể đạt được những mục tiêu trên và trở thành một nước phát triển mạnh về du lịch ở khu vực cũng như toàn cầu.
Ở một số tỉnh, thành, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện chưa thể đáp ứng được số lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chưa tính toán sát những nhu cầu của ngành du lịch trong tương lai. Hệ thống giao thông và phương tiện đi lại thường tạo ấn tượng không mấy tốt đẹp cho du khách nước ngoài, đặc biệt là những người đến Việt Nam lần đầu tiên.
Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, có khoảng 6% du khách nước ngoài không quay lại Việt Nam sau chuyến đi đầu tiên. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, khiến nỗ lực quảng bá du lịch gặp nhiều khó khăn. Thực tế này giải thích tại sao những điểm đến hấp dẫn như cố đô Huế chỉ thu hút rất ít du khách ghé thăm.
Theo EIU, doanh thu của ngành du lịch sẽ tăng mạnh nếu du khách quốc tế quay lại Việt Nam nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn.