Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị bộ trưởng Lao động tại Luxembourg, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề xã hội Marianne Thyssen bày tỏ vui mừng trước thỏa thuận vừa đạt được và đánh giá EU đã có được một thỏa thuận cân bằng.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề xã hội Marianne Thyssen. (Nguồn: Politico) |
Trong số các bộ trưởng bỏ phiếu chống thỏa thuận này có Ba Lan, Hungary, Latvia và Lithuania. Ba quốc gia bỏ phiếu trắng là Anh, Ireland và Croatia, còn lại là những nước ủng hộ thỏa thuận.
Sau hơn 11 giờ thảo luận, các Bộ trưởng Lao động của EU đã nhất trí về thời gian biệt phái tối đa là 12 tháng, bằng với thời hạn do Pháp đưa ra. Tuy nhiên, thời hạn này cũng có thể được kéo dài thêm 6 tháng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Pháp cũng đã phải nhượng bộ trên lĩnh vực giao thông đường bộ, một vấn đề cực kỳ nhạy cảm do các nước khối Visegrad (gồm Ba Lan, Hungary, Czech, Slovakia) và một số quốc gia khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bày tỏ lo lắng về những hậu quả tiêu cực xảy ra cho chương trình cải cách đụng chạm đến các tài xế.
Theo thỏa thuận đạt được ngày 23/10, EU vẫn tiếp tục áp dụng chỉ thị cũ về lao động biệt phái năm 1996 (không áp dụng văn bản mới được sửa đổi) đối với các tài xế đường bộ, cho đến khi một chỉ thị mới dành riêng cho lĩnh vực vận tải đường bộ được ban hành và có hiệu lực.
Căn cứ vào chỉ thị áp dụng năm 1996, một doanh nghiệp có thể biệt phái các công nhân của mình tới một nước châu Âu khác tối đa là 2 năm với điều kiện áp dụng một số quy định của nước đón tiếp như tiền lương, điều kiện làm việc và đóng góp an sinh xã hội tại nước xuất xứ.