Sáng 4/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức họp Đối thoại Chính sách về Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo”, liên quan tới việc sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Chương trình hỗ trợ cải cách ngành năng lượng các vùng khó khăn của Việt Nam từ EU có trị giá 108 triệu Euro. Mục tiêu của chương trình là tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam và góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và tái tạo.
Phái đoàn EU và đại diện Việt Nam bàn cách tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. (Ảnh: CV) |
Tham dự cuộc đối thoại có các đại diện của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính Việt Nam. Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet đã trao đổi về những tiến bộ đạt được, phương hướng phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam và thảo luận về những hỗ trợ bổ sung của Liên minh châu Âu cho lĩnh vực năng lượng; đối thoại về cải cách quản lý tài chính công và ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức hợp tác song phương, đa phương. Vì vậy, các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi các hỗ trợ của EU không thể trực tiếp khắc phục những thách thức này, Liên minh sẽ cùng với các đối tác phát triển khác có thể hỗ trợ tài chính nhằm góp phần đem đến một ngành năng lượng sạch hơn và bền vững hơn.
Đối thoại chính sách sẽ là hoạt động diễn ra thường niên từ nay cho đến năm 2020, là một phần trong cam kết của Chính phủ Việt Nam về tính minh bạch nền tài chính công; nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện với mục tiêu cung cấp điện ổn định, tin cậy; thu hút các nhà đầu tư mới vào ngành điện, đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo.