📞

EU lùi 1 năm áp dụng quy định về nạn phá rừng

Linh Diệu 14:06 | 21/11/2024
Nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu là việc mở rộng đất nông nghiệp để sản xuất các hàng hóa như cà phê, dầu cọ và cao su…
Quy định về nạn phá rừng của EU yêu cầu các sản phẩm liên quan khi được tiêu thụ hoặc xuất khẩu từ khối này phải đảm bảo không làm tổn hại rừng trong quá trình sản xuất. (Nguồn: csofutures)

Ngày 20/11, Hội đồng châu Âu đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với đề xuất sửa đổi thời gian áp dụng quy định về nạn phá rừng, gia hạn thời hạn thêm 12 tháng. Quyết định này nhằm đảm bảo tính chắc chắn về pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia, nhà khai thác và các thương nhân có thêm thời gian chuẩn bị để tuân thủ các quy định mới.

Ban đầu, quy định về nạn phá rừng dự kiến áp dụng từ ngày 30/12. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của Hội đồng châu Âu, thời hạn này sẽ được lùi lại thêm 1 năm, bắt đầu áp dụng từ ngày 30/12/2025. Mục tiêu chính là cung cấp đủ thời gian để thiết lập và triển khai hệ thống thẩm định trách nhiệm, giúp kiểm soát chuỗi cung ứng các sản phẩm đảm bảo không gây phá rừng.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết việc gia hạn thời hạn áp dụng không chỉ giúp các bên liên quan tuân thủ tốt hơn mà còn tạo điều kiện để xây dựng các hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Các hệ thống này bao gồm việc nhận diện rủi ro phá rừng trong chuỗi cung ứng, giám sát và báo cáo nhằm đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định.

Nguyên nhân chính gây ra nạn phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu là việc mở rộng đất nông nghiệp để sản xuất các hàng hóa như cà phê, dầu cọ và cao su. Là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nạn phá rừng thông qua các quy định chặt chẽ đối với chuỗi cung ứng và sản xuất hàng hóa.

Quy định về nạn phá rừng của EU yêu cầu các sản phẩm như thịt bò, gỗ, cacao, đậu nành, dầu cọ, cà phê, cao su và các sản phẩm liên quan khi được tiêu thụ hoặc xuất khẩu từ khối này phải đảm bảo không làm tổn hại rừng trong quá trình sản xuất.

Theo đó, chỉ các sản phẩm được sản xuất trên đất không bị phá rừng hoặc suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020 mới được phép lưu thông trên thị trường EU. Điều này không chỉ giúp EU giảm tác động đến nạn phá rừng toàn cầu mà còn khẳng định cam kết về phát triển bền vững.

Tiếp theo, Hội đồng châu Âu sẽ thông báo cho Nghị viện châu Âu về lập trường của mình để khởi động quá trình đàm phán. Mục tiêu là quy định này được cả hai cơ quan đồng lập pháp chính thức thông qua và công bố trên Công báo của EU, nhằm đảm bảo có hiệu lực trước cuối năm nay.

(theo TTXVN)