Xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4/2023 lên cao nhất kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. (Nguồn: Reuters) |
Ông Josep Borrell nói: “Nếu dầu diesel hoặc xăng đến châu Âu từ Ấn Độ và được sản xuất từ dầu của Nga, thì đây chắc chắn là hành động lách luật trừng phạt và các quốc gia thành viên cần hành động.
Việc Ấn Độ mua dầu của Nga là bình thường. Tuy nhiên, nếu họ lợi dụng nó như một trung tâm lọc dầu của Nga và bán cho chúng tôi các sản phẩm đó... thì chúng tôi phải hành động".
Năm 2022, Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Việc tiếp cận với dầu giá rẻ của Moscow đã làm tăng sản lượng và lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tại quốc gia Nam Á, cho phép họ xuất khẩu các sản phẩm dầu sang châu Âu trên cơ sở cạnh tranh để chiếm thị phần lớn hơn.
Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu trung bình 154.000 thùng nhiên liệu mỗi ngày sang châu Âu. Nhưng hiện tại, con số này đã tăng lên 200.000 thùng.
* Ngày 16/5, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, lượng dầu xuất khẩu của Nga tăng lên 8,3 triệu thùng một ngày trong tháng 4/2023, cao nhất kể từ khi xung đột với Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. Sản lượng này cao hơn 50.000 thùng mỗi ngày so với tháng 3.
IEA cho biết thêm: "Trên thực tế, Moscow có thể đã tăng sản lượng để bù đắp cho tổn thất nguồn thu. Doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 4 tăng thêm 1,7 tỷ USD, lên 15 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn thu từ thuế với lĩnh vực dầu khí Nga cũng giảm 64% cùng giai đoạn".
Cũng theo cơ quan trên, sản lượng dầu thô Nga "nhìn chung ổn định" trong tháng 4 ở 9,6 triệu thùng mỗi ngày, nhưng nước này chưa thực hiện hoàn toàn tuyên bố cắt giảm sản lượng. Moscow cần giảm thêm 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 5 để đạt mục tiêu.
IEA đánh giá: "Nga dường như không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm bên mua, với việc Trung Quốc và Ấn Độ hấp thụ gần 80% xuất khẩu dầu thô của Nga".