📞

EU ra Tuyên bố Budapest 'hối hả' tăng cường khả năng cạnh tranh, thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu độc lập

Chu Văn 12:35 | 09/11/2024
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/11 đã thông qua Tuyên bố Budapest về Thỏa thuận cạnh tranh châu Âu mới trong cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu tại Budapest (Hungary), trong đó phác thảo khuôn khổ chiến lược nhằm nâng cao vị thế của khối thông qua các cải cách và sáng kiến mục tiêu.
Châu Âu muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng độc lập. (Nguồn: AP)

Một trong những ưu tiên hàng đầu mà các nhà lãnh đạo EU nhất trí là đảm bảo một thị trường chung hoạt động đầy đủ, phát huy hết tiềm năng của thị trường như một “động lực chính cho đổi mới, đầu tư, hội tụ, tăng trưởng, kết nối và khả năng phục hồi kinh tế”.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo còn cam kết thực hiện “đơn giản hóa” nhằm giảm gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp.

Đến giữa năm 2025, EU có kế hoạch giảm ít nhất 25% nghĩa vụ báo cáo, thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giảm giá năng lượng, vốn khiến các công ty châu Âu phải chịu bất lợi về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp Mỹ.

Bên cạnh đó, tuyên bố cũng đề cập việc cần thiết lập chính sách công nghiệp toàn diện, với cam kết phân bổ 3% GDP của EU cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2030, nhấn mạnh cam kết đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ.

Phát biểu tại cuộc họp báo liên quan đến Tuyên bố Budapest, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, đồng thời cho biết dù có nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản, song EU vẫn chưa thể xóa bỏ khoảng cách giữa biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm và mở rộng quy mô.

Ngoài ra, tuyên bố còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành các biện pháp hướng tới Liên minh tiết kiệm và đầu tư vào năm 2026, đồng thời ủng hộ thực hiện đầy đủ Liên minh thị trường vốn (CMU).

Sáng kiến CMU, được đưa ra vào năm 2015, nhằm tạo thị trường vốn thống nhất và dồi dào hơn trên khắp các quốc gia thành viên EU. Để đảm bảo các biện pháp pháp lý phù hợp các mục tiêu về khả năng cạnh tranh, các nhà lãnh đạo EU nhất trí đưa "đánh giá tác động về khả năng cạnh tranh" vào các đề xuất sắp tới của EU.

Tuyên bố cũng đề xuất thành lập một cơ sở công nghiệp quốc phòng châu Âu, phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm củng cố năng lực quốc phòng và quyền tự chủ của EU.

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là trụ cột cơ bản và EU cần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu độc lập.

Trong khi đó, ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary – nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường khả năng cạnh tranh của EU.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức, do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tổ chức, diễn ra ngày 7-8/11 tại Budapest, Hungary. Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của EU, giải quyết các thách thức về chính sách đối ngoại và làm sâu sắc thêm quan hệ xuyên Đại Tây Dương.