Người Phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Dana Spinant cho biết, kể từ ngày 1/1/2022, các nhà sản xuất vaccine Covid-19 sẽ không được cấp phép xuất khẩu vaccine ra bên ngoài EU.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. (Nguồn: Reuters) |
Cơ chế này được thành lập để giám sát cụ thể việc giao hàng từ hãng dược phẩm AstraZeneca, vốn bị EU cáo buộc đã không tuân thủ các đơn đặt hàng của liên minh này vì lợi ích của các quốc gia khác.
Người phát ngôn của EC cho biết thêm: "Tính minh bạch trong xuất khẩu sẽ tiếp tục được đảm bảo thông qua một cơ chế giám sát mới, cung cấp cho EC thông tin kịp thời về xuất khẩu vaccine cụ thể của nhà sản xuất".
EU là nhà cung cấp vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới, với hơn 1,3 tỷ liều được xuất khẩu cho đến nay kể từ tháng 12/2020, cho hơn 150 quốc gia, trong đó khoảng 1 tỷ liều theo cơ chế ủy quyền xuất khẩu. Do đó, EU đã xuất khẩu hơn một nửa số liều lượng được sản xuất trên đất của mình.
Cơ chế ủy quyền yêu cầu, trước bất kỳ hoạt động xuất khẩu vaccine nào ra ngoài EU, công ty dược phẩm phải được quốc gia thành viên bật đèn xanh để vận chuyển, ngoại trừ các chuyến hàng đến các nước dễ bị tổn thương hoặc những nước được hưởng miễn trừ. Quyết định này sau đó phải được xác nhận bởi EC.
Cơ chế này dẫn đến một trường hợp bị đóng băng xuất khẩu vào hồi tháng 3. Theo đó, Rome đã cấm xuất khẩu 250.000 liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại châu Âu sang Australia, đặc biệt là do "sự thiếu hụt dai dẳng" nguồn cung và sự chậm trễ trong việc giao hàng tới EU từ hãng dược phẩm này.
Trước nguy cơ một làn sóng lây nhiễm mới ở châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 25/11 đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng ở EU, nơi hiện có gần 1/4 người lớn vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Ủng hộ việc tiêm nhắc lại 6 tháng sau lần tiêm chủng đầu tiên, bà von der Leyen nói: "Chúng tôi có đủ vaccine cho việc đó. Vào cuối tuần, châu Âu sẽ chuyển 1 tỷ liều cho các quốc gia thành viên".