Đó là khẳng định của ông Gunther Oettinger, Ủy viên phụ trách ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), ngày 28/6. Ông Gunther Oettinger đánh giá, riêng Brexit đã làm cho ngân sách của EU thâm hụt khoảng 10 tỷ Euro hàng năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Daily Express) |
Cùng với đó, EU còn phải chi trả cho các nhiệm vụ mới như quốc phòng, an ninh nội địa, và những khoản này ước tính sẽ lên tới 10 tỉ Euro nữa. Do vậy, các nước thành viên phải có một lựa chọn rõ ràng giữa việc tìm được nguồn tài trợ mới hay là cắt giảm tài trợ cho các dự án đầy tham vọng của mình.
Ông Oettinger đã trình một bản dự thảo để các nước thành viên EU thảo luận trong năm nay, trong đó nêu ra các phương án giải quyết “lỗ hổng” tài chính do Brexit để lại. Theo bản dự thảo này, EU có thể tận dụng các nguồn như thuế doanh nghiệp, một loại thuế đánh vào các giao dịch tài chính, hay thuế điện, nhiên liệu, khí thải có carbon hay tiền thu được từ việc phát hành tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Ngân sách của EU hiện đang dựa trên sự đóng góp theo tổng thu nhập quốc dân của các nước thành viên, từ các loại thuế quan thu được ở biên giới và từ một phần nhỏ của thuế thu nhập tăng thêm quốc gia.
Nước Anh đóng góp khoảng 16%, hay 10 - 11 tỷ Euro mỗi năm cho ngân sách của EU. Với sự ra đi của quốc gia này, dự kiến vào tháng 3/2019, triển vọng nguồn ngân sách thấp làm dấy lên mối lo ngại về những căng thẳng trong vấn đề đóng góp tài chính giữa 27 nước còn lại của EU.
Một số nước đóng góp cho ngân sách EU yêu cầu giảm chi tiêu quốc phòng, trong khi những nước thụ hưởng thì lại không mấy vui vẻ khi phải giảm quỹ liên kết vốn tài trợ cho khu vực nghèo nhất của EU.