Sau 3 năm thương lượng, các nước EU đã bỏ phiếu cho phép châu Âu có quyền hạn lớn hơn trong việc chống lại nguyên liệu nhập khẩu giá rẻ. Động thái này được nhìn nhận sẽ làm sâu sắc thêm căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Hình minh họa. (Nguồn: SAT News) |
Bộ trưởng Thương mại Slovakia, nước đang là Chủ tịch luân phiên EU, ông Peter Ziga nhận định đây là một sự đột phá quan trọng, cho thấy EU không thể "ngờ nghệch" và phải bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt trong trường hợp bán phá giá. Trước đó, Anh và Thụy Điển từng phản đối việc siết chặt quy định thương mại đối với hàng nhập khẩu giá rẻ, cho rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sản xuất ô tô tại châu Âu và khơi mào cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại, một xu hướng vốn được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chủ trương thực hiện.
Quyết định siết chặt quy định về thuế của EU được nhìn nhận là tín hiệu mừng đối với các nhà sản xuất thép châu Âu sau khi nền công nghiệp thép tại "Lục địa già" lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua xuất phát từ sản lượng dư thừa lớn của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa EU và Trung Quốc bùng phát sau khi Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ tuyên bố từ chối công nhận Bắc Kinh là "nền kinh tế thị trường", đồng thời khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp chống bán phá giá đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 12/12 đã quyết định khiếu nại EU và Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến các quy định siết chặt thuế chống bán phá giá trên. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, động thái trên của Mỹ và EU gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu và việc làm của một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc cũng như thể hiện "chủ nghĩa bảo hộ ngầm" và "thiên vị" của phương Tây.