Phát biểu sau cuộc họp Hội đồng kinh tế và tài chính châu Âu, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis đánh giá số tiền nợ xấu đã giảm nhẹ trong những tháng cuối năm nhưng tốc độ còn chậm. Ông Dombrovskis nhấn mạnh các bên cần đẩy mạnh hành động vì mục đích trên.
Ông Dombrovskis cho biết, chiến lược của Hội đồng sẽ bao gồm việc cho phép những nhà giám sát ngân hàng nhiều quyền hạn hơn để "tích cực thúc đẩy các ngân hàng giải quyết vấn đề nợ".
Biểu tượng của đồng Euro phản chiếu lên kính tàu điện bên ngoài trụ sở cũ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt (Đức). (Nguồn: Reuters) |
Trong khuôn khổ kế hoạch mới này, Ngân hàng trung ương Châu Âu có thể buộc các ngân hàng tăng "vùng đệm" đối với các khoản nợ xấu hiện tại vì cho rằng các biện pháp hiện tại là chưa đủ. Các ngân hàng cũng có thể buộc phải tự động dành thêm vốn cho các khoản vay mới khi thấy mức nợ xấu vượt quá mức chấp nhận được. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cảnh báo về các biện pháp trên có thể trở nên thái quá và làm chi phí tăng quá mức.
Về phần mình, ông Toomas Tõniste, Bộ trưởng tài chính của Estonia, nước hiện đang nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng kinh tế và tài chính châu Âu, cho biết các khoản cho vay không hiệu quả đang là vấn đề gây đau dầu đối với ngành ngân hàng, trong khi đó các giải pháp cho đến nay được xác định vẫn chủ yếu là ở cấp quốc gia. Ông Toomas Tõniste cho rằng nguồn lực này cần được giải phóng để hệ thống tài chính châu Âu trở nên linh hoạt hơn và ngăn ngừa sự xuất hiện lại của các khoản nợ xấu trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài một thập niên qua đã khiến cho các ngân hàng châu Âu phải gánh chịu gần 1.000 tỷ Euro nợ xấu, điều này làm giảm khả năng cho vay và làm chậm đà phục hồi kinh tế của "lục địa già".
Tình trạng này thâm chí còn có thể gây ra sự đổ vỡ xuyên biên giới và làm ảnh hưởng đến nhận thức thị trường của ngành ngân hàng EU. Mức nợ xấu cao còn hạn chế khả năng đầu tư và gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế các nước thành viên EU.